Ngày 13/5, tại không gian Thư quán (thuộc di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám) đã diễn ra tọa đàm “Thư pháp và Graffiti: Từ khác biệt đến đồng cảm”. Tọa đàm đã đưa ra một cái nhìn tổng quát và khách quan nhất về Thư pháp và Graffiti cũng như mối liên hệ, kết hợp giữa 2 loại hình nghệ thuật này.
Tọa đàm được dẫn dắt bởi Thạc sĩ – Dịch giả Trương Quốc Toàn, cùng sự tham gia của ba vị khách mời: Nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng – một trong những gương mặt nổi bật của dòng Thư Pháp Quốc Ngữ; CEO và founder của Công ty TNHH Mỹ thuật ứng dụng Xưởng Kiến Đỗ Thế Thành với trên 10 năm gắn bó, nỗ lực mang Graffiti đến gần công chúng hơn dưới một một góc nhìn mới, trẻ và đầy sáng tạo; và cuối cùng là nghệ sĩ đa phương tiện và giám tuyển Nguyễn Quốc Hoàng Anh – nhà sáng lập LENNGAN Culture Agency và The Fly On Dust Production House với các dự án như: Cõi Thinh Không, Âm – Thanh Sắc – Màu…
Được diễn ra tại không gian Thư quán – một địa điểm vừa được nâng cấp nhằm đáp ứng nhu cầu nghỉ chân của khách tham quan di tích – buổi Tọa đàm mang đến cái nhìn tổng quát và khách quan nhất về hai loại hình nghệ thuật Thư pháp và Graffiti. Thông qua nội dung chia sẻ của những người trong cuộc là các nhà hoạt động thư pháp, nghệ sĩ Graffiti và giám tuyển nghệ thuật, công chúng sẽ có cơ hội được đến gần, được trải nghiệm cảm giác mới lạ và từ đó có cái nhìn tích cực, gần gũi đối với cả hai loại hình nghệ thuật này.
Từ lâu nay, Thư pháp luôn được biết đến như một thú chơi tao nhã của giới có học thức, giỏi ngôn ngữ và đam mê văn chương. Có lẽ, không ít người vẫn cho rằng thư pháp là một nét văn hoá được bắt nguồn từ Trung Quốc. Tuy nhiên, trên thực tế Thư pháp là một loại hình nghệ thuật đã được hình thành và phát triển tại khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở các nước phương Tây chứ không chỉ trong phạm vi các quốc gia phương Đông. Tại phương Tây, Thư pháp được biết tới dưới cái tên Calligraphy. Calligraphy là kết hợp hai từ Calli và Graphy. Calli có nguồn gốc từ Hy Lạp là Kalli, phát sinh từ Kallos có nghĩa là vẻ đẹp và từ Graphy có gốc Hy Lạp là Graphein, có nghĩa là viết chữ.
Trong khi đó, “Graffiti” là một từ bắt nguồn từ chữ “graphein” trong tiếng Hy Lạp – có nghĩa là viết. Sau này, trở thành từ “graffito” trong tiếng La tinh, có nghĩa là “hình vẽ trên tường”, tên gọi chung cho những hình ảnh hoặc chữ viết kiểu cách trên các bức tường ở các đường phố, khu phố và được vẽ bằng sơn, sơn xịt hoặc đánh dấu bằng thứ vật liệu bất kỳ lên những nơi có bề mặt phẳng, rộng. Hình ảnh của những bức tường phủ đầy Graffiti thường gợi lên trong tâm trí người xem hình ảnh những đứa trẻ thích nổi loạn thích “vẽ bậy”, khao khát được thể hiện và khẳng định mình.
Những đặc điểm riêng biệt của hai loại hình nghệ thuật này cùng với cách nhìn nhận khác nhau từ phía công chúng đã khiến không ít người cho rằng giữa Thư pháp và Graffiti luôn tồn tại một khoảng cách tưởng chừng không thể nào lấp đầy.
Tại toạ đàm, các diễn giả đã có những chia sẻ và chỉ ra nét tương đồng thú vị giữa hai loại hình nghệ thuật này. Theo các diễn giả: Thư pháp và Graffiti là hai loại hình nghệ thuật có nhiều điểm tương đồng, như hình hoạ, cách thể hiện đòi hỏi trí tưởng tượng rất cao và đều mang trong mình sứ mệnh truyền tải những thông điệp nhất định.
Qua Toạ đàm, công chúng được hiểu hơn về quá trình du nhập và phát triển của Thư pháp và Graffiti tại Việt Nam; nhận diện những điểm khác biệt và những điểm chung giữa hai bộ môn nghệ thuật này. Đồng thời cũng thấy được hành trình của Graffiti từ không gian đường phố bước vào các bảo tàng và không gian nghệ thuật hàn lâm cũng như cuộc hội ngộ chưa từng có tiền lệ của Thư pháp và Graffiti trong không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho biết: “Chúng tôi mong muốn rằng thông qua sự đối thoại này, những nhà Thư pháp và Graffiti sẽ có những cảm hứng sáng tạo trên nền tảng của di sản nói chung và của Văn Miếu – Quốc Tử Giám nói riêng, từ đó sáng tạo nên những sản phẩm đóng góp cho cộng đồng và phục vụ cho khách tham quan…”
Cuộc Tọa đàm chính là sự kiện khởi đầu cho một dự án sáng tác và trưng bày về Thư pháp kết hợp với Graffiti sẽ được Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tổ chức trong thời gian tới. Đây là một trong rất nhiều hoạt động văn hóa sẽ được tổ chức trong năm 2022 nhằm từng bước hiện thực hóa ý tưởng đưa Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành một không gian sáng tạo, một điểm đến quen thuộc của công chúng yêu di sản và công nghiệp văn hóa.