Huyện Đông Anh được biết đến là một địa phương có nhiều di sản văn hóa. Giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn là điều mà nhiều năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh luôn quan tâm, chú trọng. Với chức năng […]
Huyện Đông Anh được biết đến là một địa phương có nhiều di sản văn hóa. Giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn là điều mà nhiều năm qua các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh luôn quan tâm, chú trọng.
Với chức năng nhiệm vụ của mình, ngành VHTT huyện Đông Anh đã có nhiều biện phát nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị di sản trên địa bàn, trong đó có công tác xếp hạng, tu bổ di tích, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể.
Theo thống kê, đến nay huyện Đông Anh có 124 di tích được cấp bằng xếp hạng, trong đó có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 55 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Trưởng Phòng VH – TT huyện Đông Anh cho biết, việc gìn giữ và phát huy giá trị của các di tích luôn được địa phương xác định là nhiệm vụ chính trị – xã hội quan trọng.
Trong công tác quản lý di tích, Đông Anh luôn chú trọng đến công tác bảo vệ, quản lý cổ vật trong các di tích bằng việc đẩy mạnh công tác lập hồ sơ công nhận xếp hạng di tích, tạo cơ sở pháp lý để bảo vệ cơ sở vật chất các di tích, có nhiều cơ chế, chính sách để bảo vệ các di tích. Phòng VHTT với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước đã xây dựng kế hoạch và tham mưu cho UBND huyện ban hành các văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn thành lập Ban quản lý di tích để công tác quản lý di tích được tốt hơn. Hầu hết các di tích của Đông Anh đều có người trông coi chặt chẽ. Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý di tích, huyện đã chỉ đạo 21/21 xã, thị trấn kiện toàn Ban quản lý di tích và có kế hoạch phối hợp đồng bộ với các ngành chức năng như MTTQ, Tôn giáo, Công an, cùng với các cơ sở thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý và bảo vệ di tích trên địa bàn. Kịp thời phát hiện, tháo gỡ những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong công tác quản lý, phát huy các giá trị của di tích. Gắn với các di tích là hệ thống lễ hội truyền thống ở Đông Anh đã tạo ra những giá trị di sản vô giá. Các lễ hội truyền thống hàng năm trên địa bàn đều được tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm, an toàn. Chính những điểm này đã giúp cho du khách đến với Đông Anh ngày một đông. Theo thống kê, lượng khách tham quan tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn liên tục tăng qua các năm. Riêng lượng khách thăm đền Cổ Loa và đền Sái đạt mức kỷ lục xấp xỉ 85 triệu lượt/ năm. Đặc biệt, ngày càng có nhiều du khách thập phương đến với Đông Anh như tìm về một địa chỉ văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống. Cũng nhờ đó, tỷ trọng ngành du lịch trong cơ cấu kinh tế chung toàn huyện ngày một lớn hơn.
Về phía chính quyền, phát huy thế mạnh các di sản, những năm qua, huyện Đông Anh luôn quan tâm đầu tư tới phát triển du lịch gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật truyền thống. Tại Phường rối nước Đào Thục, trong hơn 3 năm qua, Phường đã biểu diễn 260 tour, biểu diễn phục vụ khoảng 25.000 du khách trong nước, quốc tế tại thủy đình của làng, hoặc lưu diễn tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Bảo tàng Dân tộc học. Đi đôi với việc quản lý, Đông Anh cũng làm tốt công tác tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn. thực hiện kiểm kê, nghiên cứu, phân loại, giám định, lập hồ sơ khoa học hiện vật tại một số di tích. Từ 2011 đến nay, huyện đã tiến hành tu bổ 101 di tích, với tổng kinh phí trên 150 tỷ đồng. Bên cạnh việc bảo tồn các di tích lịch sử, ngành VH – TT huyện cũng rất nỗ lực trong bảo tồn một số lễ hội truyền thống có nguy cơ thất truyền. Đó là việc tiến hành sưu tầm, xây dựng kịch bản và phục dựng các Lễ hội Kén rể (làng Đường Yên), Lễ hội Cướp cầu (thôn Viên Nội), hay Lễ hội Kéo rắn (xã Xuân Nộn)… Việc phát huy giá trị các loại hình văn hóa, nghệ thuật tiếp tục được duy trì. Đến nay, 14 câu lạc bộ nghệ thuật tuồng, chèo, ca trù, hát dân ca, múa lân sư… truyền thống trên địa bàn huyện vẫn đang hoạt động rất hiệu quả.
Ngoài ra, để tạo điều kiện phát huy giá trị các điểm di tích lịch sử – văn hóa, những năm qua, huyện Đông Anh đã chủ động đầu tư gần 160 tỷ đồng nâng cấp các tuyến đường dẫn về làng rối nước Đào Thục, đền Sái, xây dựng và phát triển các thương hiệu sản phẩm làng nghề truyền thống như: “Gạo nếp cái hoa vàng Thụy Lâm”, “Rượu đông tửu Long Hội”, “Tinh hoa đồ gỗ Vân Hà”… để quảng bá tới 132 quốc gia và vùng lãnh thổ..
Trong định hướng phát triển trong tương lai, huyện Đông Anh luôn xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hóa, nghệ thuật truyền thống phải gắn liền với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, giúp nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Quỳnh Anh