Theo số liệu báo cáo của quận Đống Đa, tổng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của quận dành cho lĩnh vực phát triển văn hoá là 3.500 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cho lĩnh vực văn hóa xã hội trên 2.300 tỷ đồng và kinh phí tu bổ, tôn tạo di tích là trên 200 tỷ đồng.
Chiều 6/11/2023, Đoàn giám sát số 3 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội do Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với quận Đống Đa về triển khai giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 06-Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Đống Đa Nguyễn Anh Cường cho biết: Quận Đống Đa hiện có 76 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa, Đền Kim Liên); có 2 nhà thờ (Thái Hà, Hàng Bột) và 26 chùa tại địa bàn 13 phường; có 13 hồ; 9 vườn hoa, công viên; 80 tuyến đường, phố.
Trên cơ sở 7 nhóm chỉ tiêu đề ra tại Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ, quận Đống Đa đã xác định 9 chỉ tiêu thực hiện Chương trình. Thời gian qua, quận đã triển khai thực hiện đảm bảo đúng lộ trình, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch hàng năm.
Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045″ , quận Đống Đa đã ban hành Kế hoạch số 131 với lộ trình triển khai gồm 3 mốc: Đến năm 2025, phấn đấu doanh thu các ngành công nghiệp văn hoá tăng dần, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, đóng góp nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đến năm 2030, phát triển đa dạng, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ, văn hóa có thương hiệu uy tín. Đến năm 2045, phấn đấu để ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, hài hòa và bền vững. Đồng thời xây dựng một số công trình văn hóa mang biểu tượng quận Đống Đa.
Đến nay, tỷ lệ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa của quận Đống Đa đạt trên 88%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu Tổ dân phố văn hóa đạt trên 80%.
Về việc bố trí nguồn nhân lực nguồn lực, kinh phí cho lĩnh vực phát triển văn hóa được quận Đống Đa quan tâm, chú trọng. Theo đó, tổng vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021- 2025 của quận là 3.500 tỷ đồng, trong đó: Bố trí nguồn vốn cho lĩnh vực văn hóa xã hội trên 2.300 tỷ đồng (chiếm 67, 6 % tổng vốn đầu tư trung hạn); bố trí kinh phí tu bổ và tôn tạo các di tích với kinh phí trên 200 tỷ bằng nguồn ngân sách quận.
Bên cạnh đó, quận Đống Đa cũng tập trung chỉ đạo đẩy mạnh quảng bá rộng rãi các giá trị văn hóa đặc trưng của quận như: Triển khai xây dựng Chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử – văn hoá, lễ hội truyền thống trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2019 – 2025, định hướng đến 2030”. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, vui chơi, mua sắm, ẩm thực… theo hướng phát triển du lịch bền vững, trong đó tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long tứ trấn, di tích quốc gia đặc biệt gò Đống Đa… Tạo điều kiện phát triển các hoạt động kinh doanh xung quanh khu vực có các di tích với doanh thu trên 4 tỷ đồng.
Quận cũng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách để tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án đầu tư du lịch. Hiện tại, quận Đống Đa đang triển khai xây dựng Đề án tổ chức không gian văn hóa, phố chuyên doanh ẩm thực Nguyễn Văn Tuyết. Phấn đấu đến năm 2025, Đống Đa cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch để hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.
PV(t/h)