Tin tức - Sự kiện

Động lực để Thủ đô phát triển toàn diện 

 HNP – Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/11/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 đã tạo động lực mạnh mẽ để thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, là […]

 HNP – Sau 5 năm thực hiện, Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 06/11/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020 đã tạo động lực mạnh mẽ để thủ đô Hà Nội phát triển toàn diện, xứng đáng là trung tâm chính trị – hành chính quốc gia, là động lực phát triển vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Những chuyển biến rõ nét

 Nhận thức sâu sắc về tính chất quan trọng của Nghị quyết 11 đối với sự phát triển của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, Đảng bộ TP Hà Nội đã nghiêm túc chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền những nội dung của Nghị quyết; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, cụ thể hóa các mục tiêu và quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, bám sát vào 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gắn với việc triển khai thực hiện đồng bộ các nghị quyết Đại hội 15, 16 Đảng bộ Thành phố. Cùng với đó, HĐND, UBND TP đã kịp thời xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để cụ thể hóa Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô.
 Kết quả, trong 5 năm qua, tổng sản phẩm trên địa bàn Thủ đô (GRDP) tăng bình quân 7,57%/năm, vượt khoảng 2,56% so với mức tăng bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng. Ngành dịch vụ phát triển, chiếm tỷ trọng 67,09%, trong đó, các ngành dịch vụ chất lượng cao như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, du lịch… tăng trưởng mạnh. Ngành công nghiệp đã ưu tiên phát triển các ngành chủ lực, từng bước hình thành một số khu công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế cạo, công nghiệp điện tử, CNTT… Ngành nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng sản xuất chuyên canh tập trung, bước đầu hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, giá trị bình quân trên 1ha canh tác đạt 239 triệu đồng, gấp 1,27 lần so với năm 2011.
Cùng với đó, thu ngân sách trên địa bàn Thủ đô luôn đạt và vượt dự toán. Tổng thu ngân sách trong 5 năm đạt trên 755 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,3%/năm. Huy động vốn đầu tư xã hội tăng trưởng khá, giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn TP đạt 1,42 triệu tỷ đồng, gấp 2 lần giai đoạn trước; thu hút 1.820 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 9,41 tỷ USD. Thành phố đã đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của TP trong năm 2016 tăng 37 bậc so với năm 2012, xếp thứ 14/63 tỉnh, thành phố.
 Công tác quy hoạch được đẩy mạnh và đạt những kết quả quan trọng, hoàn thành một khối lượng lớn quy hoạch, từ quy hoạch chung, quy hoạch phân khu chức năng đến quy hoạch ngành, lĩnh vực, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển đúng định hướng. Công tác xây dựng nông thôn mới được TP ưu tiên nguồn lực để tập trung thực hiện. Đến nay, toàn TP có 255/386 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 2 huyện được công nhận huyện nông thôn mới, dẫn đầu cả nước và về đích sớm trước 4 năm so với chỉ tiêu của Nghị quyết 11.
 Hà Nội cũng đi đầu trong công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII); nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm để kiên quyết khắc phục. Việc thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức được triển khai bài bản, đồng bộ và khoa học, đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, điều động cán bộ được thực hiện sáng tạo, qua đó, phát huy tốt năng lực, sở trường của cán bộ. Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế tiếp tục phát triển toàn diện, nhiều chỉ tiêu dẫn đầu cả nước.
 Chỉ rõ hạn chế, bất cập
 Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả trên, Hà Nội cũng nghiêm túc, thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại, bất cập sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị và 3 năm thực hiện Luật Thủ đô. Đó là kinh tế tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp; tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn; kết quả hợp tác, phát triển với các địa phương trên một số lĩnh vực chưa đi vào chiều sâu; chưa phát huy thế mạnh về nguồn nhân lực, vốn, khoa học công nghệ…
Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải và bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Mặc dù quy định về quản lý dân cư trong khu vực nội thành theo điều 19 Luật Thủ đô đã được thực hiện nghiêm túc, song dân số cơ học vẫn tăng nhanh. Một số nội dung quan trọng trong Luật Thủ đô quy định chi tiết chưa được ban hành, nhất là Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn về quy hoạch kiến trúc đối với cải tạo, tái thiết đô thị tại 4 quận nội đô cũ; quyết định cụ thể về biện pháp, lộ trình di dời và việc sử dụng quỹ đất sau di dời của các cơ sở sản xuất, bệnh viện, trường học… Ngoài ra, việc còn thiếu cơ chế đặc thù của chính quyền đô thị của các huyện, thị xã nằm trong quy hoạch xây dựng 5 đô thị vệ tinh; việc cải tạo, xây dựng lại khu chung cư cũ, nhà xuống cấp còn chậm; tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp… nên chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của Thành phố.
 Những tồn tại, vướng mắc như trên có nhiều nguyên nhân, trong đó, sự phối, kết hợp trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành, tham mưu, đề xuất các cơ chế đặc thù giữa một số bộ, ngành Trung ương với TP Hà Nội còn chưa chặt chẽ; việc tổ chức thực hiện một số công việc, lĩnh vực được phân công, phân cấp, ủy quyền theo Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô còn bị động. Những cơ chế, chính sách đặc thù của Nghị quyết 11 và Luật Thủ đô mới chỉ dừng lại ở chủ trương, khi triển khai trong thực tiễn bị ràng buộc bởi các luật, nghị định khác… Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, đơn cử như trong việc tổ chức bộ máy, chính sách công chức, viên chức của thủ đô Hà Nội không có gì khác so với các tỉnh, hoàn toàn tuân thủ Nghị định 24. Hay như trong việc thu hút nhân tài, việc tuyển thẳng thủ khoa xuất sắc vào các cơ quan Thành phố vẫn phải lên Bộ Nội vụ xin ý kiến thỏa thuận.
 Ở một lĩnh vực khác, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng, Luật Thủ đô cho phép Thành phố xử phạt gấp 2 lần so với quy định chung tại Luật xử lý vi phạm hành chính, tuy nhiên áp dụng với lĩnh vực tài nguyên môi trường thì vẫn rất thấp, vi phạm sử dụng đất trên 10ha mà bị xử phạt có tối đa 20 triệu thì người ta sẵn sàng vi phạm để nộp phạt cho tồn tại.
 Những tồn tại, bất cập trên đã được TP Hà Nội chỉ ra và kiến nghị, đề xuất Trung ương ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Thành phố; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Thủ đô để tạo cơ sở pháp lý góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.
Theo Cổng GTĐT TP

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *