Gia đình

Đưa phòng chống bạo lực gia đình vào giảng dạy

​Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đến năm 2020. Theo đó, sẽ đưa nội dung này vào giảng dạy.

Mục tiêu của Đề án là giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình nhằm xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc để bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam, góp phần thực hiện thành công Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030.

Đề án cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể: Đạt 80% vào năm 2015 và 95% vào năm 2020 số người học, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhân viên trong các cơ sở giáo dục được trang bị và nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình…

Theo đó, nhiệm vụ của Đề án sẽ đánh giá thực trạng nhu cầu giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng và phát triển gia đình no ấm, tiến bộ hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình trong các môn học chính khóa, hoạt động ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.

Đề án cũng nêu rõ: giáo dục nâng cao nhận thức, cung cấp kiến thức, kỹ năng chuyển đổi hành vi để xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ sở giáo dục; đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành ở Trung ương, địa phương và cha mẹ học sinh. Trong đó, bổ sung nội dung giáo dục về gia đình (vai trò, trách nhiệm và kỹ năng làm cha, làm mẹ, ý nghĩa và tầm quan trọng của gia đình…) trong các cấp học, bậc học cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển; tổ chức đào tạo, tập huấn về giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc và phòng, chống bạo lực gia đình.

Cùng với đó là cung cấp kiến thức, kỹ năng và biện pháp can thiệp, phòng ngừa nhằm xử lý kịp thời các trường hợp liên quan đến bạo lực gia đình cho học sinh, sinh viên, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, các bộ, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị – xã hội.

Đồng thời, tích hợp, lồng ghép và đưa kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc vào các môn học, chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học; tổ chức các sự kiện truyền thông, ngày gia đình hạnh phúc trong các cơ sở giáo dục; các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc…

Hồng Hạnh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *