Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành Lễ hội vào mỗi dịp tháng 10 hằng năm, với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.
Dự Lễ khai mạc có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, nguyên Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội; Nguyễn Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội; Phùng Thị Hồng Hà, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố; Bùi Huyền Mai, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Quận ủy Thanh Xuân; Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội; Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực, Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội cùng các đại sứ quán và các cơ quan ngoại giao trên địa bàn Thủ đô.
Các đại biểu nhấn nút khai mạc Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024. |
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, sau 3 lần tổ chức, đến nay, Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội đã trở thành Lễ hội vào mỗi dịp tháng 10 hằng năm, với định hướng xây dựng một sản phẩm văn hóa, du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh của Thủ đô Hà Nội, điểm đến “An toàn – Thân thiện – Chất lượng – Hấp dẫn”.
Đồng thời, bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống, khai thác, tôn vinh nét đẹp văn hóa Việt Nam đặc sắc với tà áo dài của dân tộc, là biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, là nguồn cảm hứng đến thế hệ trẻ về văn hóa truyền thống, tiếp tục sáng tạo để tiếp nối mạch nguồn văn hóa, lan tỏa, quảng bá vẻ đẹp của áo dài Việt Nam đến bạn bè quốc tế.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Vũ Thu Hà phát biểu khai mạc Lễ hội. |
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội năm nay được tổ chức đúng vào dịp cả nước và Thủ đô đang chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; được đầu tư công phu, có quy mô lớn, thu hút sự tham gia của 6 nghệ nhân, 85 nhà thiết kế 3 miền Bắc, Trung, Nam; gần 100 gian hàng của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, cơ sở phụ kiện, doanh nghiệp lữ hành…
Tại Lễ khai mạc với chủ đề “Hà Nội – Tinh hoa Áo Dài”, sân khấu khai mạc đã làm sống lại một phần hình ảnh của Thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. |
Lễ hội được diễn ra liên tục trong 3 ngày từ ngày 4 đến ngày 6/10/2024, với nhiều chương trình, hoạt động thu hút đông đảo người dân tham gia như: City Bus Tinh hoa áo dài; trình diễn áo dài của các nhà thiết kế và chung kết cuộc thi thiết kế áo dài; Carnaval áo dài diễn ra vào ngày 5/10 với sự tham gia của 1.000 người…
Nhiều hoạt động hấp dẫn khác như: Không gian triển lãm tư liệu ảnh áo dài; không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài, các sản phẩm dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; không gian văn hóa nghệ thuật; không gian workshop trải nghiệm quy trình thiết kế và tạo ra các sản phẩm áo dài mini; không gian trò chơi dân gian…
Cũng tại Lễ khai mạc, là màn trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc. |
“Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến yêu mến và sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế, là Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh.
Tại Lễ khai mạc với chủ đề “Hà Nội – Tinh hoa Áo Dài”, sân khấu khai mạc đã làm sống lại một phần hình ảnh của Thủ đô Hà Nội 70 năm lịch sử. Hòa vào không gian ấy, nhiều hoạt cảnh, bài múa, tiết mục trình diễn thời trang đã tái hiện lại Hà Nội – Thủ đô anh hùng, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu, đang không ngừng đổi mới, phát triển và hội nhập.
Chương trình có sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng mang đến những ca khúc hào hùng, gắn liền với lịch sử của Thủ đô.
Cũng tại Lễ khai mạc, là màn trình diễn các bộ sưu tập áo dài của các nhà thiết kế đến từ khắp mọi miền Tổ quốc như: Đỗ Trịnh Hoài Nam, Đức Hùng, Quang Hòa, Cao Minh Tiến, Hoa hậu Ngọc Hân, Thủy Nguyễn, La Hằng, Vũ Thảo Giang, Lưu Quỳnh Lan… và các thương hiệu áo dài như OZ Design House,…
Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình, là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của cả nước. Với số lượng các di sản văn hóa phong phú và đa dạng, Hà Nội có 3 di sản được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, sở hữu gần 10 nghìn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, làng nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống.
Với mục tiêu phát triển văn hóa Thủ đô xứng tầm với truyền thống nghìn năm Thăng Long – Hà Nội, Hà Nội xác định: Tập trung bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích, công trình kiến trúc có giá trị; quan tâm phát triển phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch có thương hiệu mang tầm quốc tế; kết hợp hài hoà, nhuần nhuyễn giữa giữ gìn bản sắc văn hoá với phát triển kinh tế và giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, trong đó văn hoá, con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô.
Trong 9 tháng đầu năm, Hà Nội đón khoảng 21,12 triệu lượt khách du lịch, trong đó có 4,45 triệu lượt khách quốc tế (tăng hơn 40% so với năm 2023) và 16,66 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 6% so với năm 2023), đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng GRDP của Thủ đô.
Với việc triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, Hà Nội phấn đấu trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; phấn đấu phát triển ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Theo Theo LĐTĐ