Hoạt động cũng nhằm nâng cao tinh thần đoàn kết, giáo dục lòng tự hào về truyền thống anh hùng của dân tộc, ý thức tổ chức kỷ luật, trang bị những kiến thức cơ bản về kỹ năng thực hành xã hội, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước và niềm tự hào dân tộc trong mỗi em khi đến tham quan “Ngôi nhà chung”.
Hoạt động do Ban Quản lý Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam giao Ban Quản lý Khu các làng dân tộc phối hợp với Liên đoàn Xiếc Việt Nam; Cung Thiếu nhi Hà Nội; Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số, Đại học Văn hóa Hà Nội; Đội văn nghệ các dân tộc huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) và các nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc Tày, Dao, Mường, Khơ Mú, Tà Ôi, Ê Đê, Khmer đang hoạt động hàng ngày (huy động dân tộc Cơ Tu về hoạt động hàng ngày) và huy động đồng bào dân tộc Thái huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La (dự kiến từ ngày 10 đến 15-8) tổ chức thực hiện.
Nhiều hoạt động được tổ chức theo chủ đề như: Ngày hội vẽ tranh thiếu nhi với chủ đề “Em yêu làng em” được thể hiện qua các tác phẩm về tình yêu quê hương, đất nước, phong cảnh làng quê Việt Nam, về Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam và các đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Làng”.
Khóa học “Búp sen hồng” tiếp tục được tổ chức tại chùa Khmer là cơ hội để giúp các em nhỏ có thể được vui chơi lành mạnh, được giao lưu học hỏi với nhau và hơn hết là được học nhiều điều hay, ý đẹp về đời, trải nghiệm đời sống tu hành chốn Thiền môn, được học đạo lý được nghe giảng các bài pháp về đạo hiếu, đạo làm con, đạo làm người phù hợp với tuổi thơ của mình. Đặc biệt sẽ có hoạt động Thả đèn hoa đăng nhân lễ “Vu lan báo hiếu” (đợt 2).
Tổ chức các hoạt động “Ngày hội truyền thống Cơ Tu” của đồng bào Cơ Tu, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: Biểu diễn các tiết mục dân ca dân vũ ca ngợi đất nước, quê hương, bản sắc văn hóa dân tộc Cơ Tu huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên – Huế, các điệu hát lý, nói lý, dân ca trong nghệ thuật diễn xướng dân gian của đồng bào dân tộc Cơ Tu; giới thiệu điệu múa Tung tung ya yá (còn gọi là vũ điệu “dâng trời”) là một trong những nghệ thuật không thể thiếu được trong sinh hoạt tinh thần của người Cơ Tu; trình diễn cồng chiêng và các loại nhạc cụ (abel, sáo, a henn, tù và, trống…).
Không gian nghề thủ công truyền thống và trò chơi dân gian: Giới thiệu hoạt động chế tác nhạc cụ, đan lát mà nổi bật nhất là nghề dệt Zèng; các hoạt động thể thao truyền thống: đẩy gậy, bắn nỏ…Giới thiệu ẩm thực truyền thống và các sản vật địa phương: cơm lam, bánh sừng trâu, rượu cần, rượu đoác, nếp than, nếp tím… thu hút khách du lịch.
Tái hiện Lễ hội “Mừng nhà Gươl mới” tại làng dân tộc Cơ Tu: Đối với đồng bào Cơ Tu, làng nào không có nhà Gươl không thể gọi là làng văn hóa. Nhà Gươl đó là tài sản chung, là không gian sống động linh thiêng, nó như một linh hồn sống, sức mạnh sự gắn kết cộng đồng của dân làng, là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới (Cha ha roo tơmêê); Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu (Pơ-ngoót); Lễ mừng được mùa (Bhuối Aví)… Đồng bào dân tộc Cơ Tu về hoạt động hàng ngày sau lễ mừng nhà Gươl mới “nhận đất nhận nhà” tại Hà Nội và từ đây ngôi nhà sẽ trở thành linh hồn, là “trái tim” niềm tự hào của người Cơ Tu.
Lễ hội truyền thống các dân tộc gồm: Tái hiện lễ Arieu ping của đồng bào dân tộc Tà Ôi (nhóm Pa Kô) tỉnh Thừa Thiên – Huế; Tái hiện lễ hội Hết Chá dân tộc Thái huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật: Chương trình biểu diễn nghệ thuật Xiếc đặc sắc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam như: xiếc thú, ảo thuật, hề xiếc, tung hứng, lắc vòng, uốn dẻo… hứa hẹn sẽ mang tới tiếng cười và những phút giây thoải mái cho du khách, đặc biệt là các em thiếu nhi khi đến tham quan tại Làng; chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ của sinh viên Khoa Văn hóa Dân tộc thiểu số, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc (ca khúc ca ngợi truyền thống dân tộc anh em, ca ngợi về quê hương đất nước, một số ca khúc gắn với đời sống hiện đại); các trò chơi dân gian của các dân tộc thiểu số như đánh quay, đánh yến, cà kheo, nhảy dây,…
Chương trình biểu diễn dân ca, dân vũ của Đội Văn nghệ các dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình: Trình diễn các tiết mục dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc của các em thiếu nhi các dân tộc đến từ Đội Văn nghệ các dân tộc huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Bên cạnh đó là các hoạt động hàng ngày, cuối tuần nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Theo Báo Nhân dân