Gia đình

Gia đình Việt khó níu giữ văn hóa dân tộc khi có yếu tố ngoại

​Một buổi sáng, tỉnh giấc ông bố Việt (sống tại Australia) nhận được hai tin nhắn của con gái đang học trung học viết bằng tiếng Anh: “Hôm nay là sinh nhật con, con mời 15 bạn đến dự” và “7h tối, xin bố mẹ hãy ra khỏi nhà”.

"Liệu bạn có thể chịu đựng nổi một đứa con như vậy không?", người cha đang làm đại diện cho một công ty Việt Nam tại Sidney (Australia) bất bình và cảm thấy thất vọng với đứa con vì đã đuổi bố mẹ ra khỏi nhà để tổ chức sinh nhật. Anh đưa gia đình sang đây sống và làm việc từ khi con gái mới vài ba tuổi, cháu được hưởng toàn bộ nền giáo dục của nước sở tại. Vì bận công việc nên anh chị không có nhiều thời gian dạy dỗ con, phó mặc sự giáo dục cho nhà trường.

Ngược lại với gia đình anh, những đứa con của một người phụ nữ Huế dù sinh ra và lớn lên tại Thụy Sĩ nhưng sau nhiều năm vẫn nói tiếng Việt bằng giọng Huế chuẩn, như giọng của mẹ. Thậm chí nếu không biết rõ tường tận gia đình họ và chỉ nghe họ nói chuyện, nhiều người có thể nhầm tưởng họ được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất cố đô Việt Nam.

Đó là hai trong nhiều trường hợp mà nhà hoạt động văn hóa Tôn Nữ Thị Ninh, cựu đại sứ Việt Nam cạnh EU và vương quốc Bỉ, từng gặp và kể lại trong buổi giao lưu “Hồn Việt trong thế kỷ 21” với Câu lạc bộ FLI tại TP HCM vừa qua. Điều này cho thấy việc gìn giữ truyền thống văn hóa dân tộc khi sống ở nước ngoài phụ thuộc rất nhiều vào cách giáo dục của gia đình.

Cả gia đình sang Pháp từ khi bà Ninh mới 3 tuổi, nhưng bà nhận thấy cuộc sống của gia đình vẫn mang đậm chất Huế, thanh đạm, mọi người đều có trách nhiệm với nhau. Không bao giờ cha mẹ cần nhắc con làm việc này hay việc kia, nhắc con phải giữ truyền thống Việt vì cách nuôi dạy con hàng ngày của cha mẹ đã khiến con cảm nhận được những giá trị Việt trong con người mình. Bà cho rằng một khi cha mẹ đã phải nhắc nhở con thì việc giữ gìn văn hóa dân tộc đã mất đi tính thực tế.

Theo bà Ninh, ở nước ngoài, việc giữ gìn tiếng Việt chính là cách giữ hồn Việt rõ nhất và cũng khó nhất. Nếu không nỗ lực, để những bận bịu lo toan của cuộc sống hàng ngày cuốn đi thì tiếng Việt rất dễ bị mai một. 

Qua quan sát của bà, những người Việt khi đã trưởng thành mới ra nước ngoài thường rất có ý thức mình là người Việt Nam, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, nói tiếng Việt, lập bàn thờ tổ tiên, thậm chí tổ chức đám cưới cho con cái mang đậm nét truyền thống còn hơn cả những người ở trong nước. Họ cũng thích tập hợp nhau lại, cùng nấu ăn, hát hò và củng cố tính cách Việt.

Với thế hệ những đứa con được sinh ra ở xứ người, sợi dây gắn bó với đất nước đã lỏng dần, và việc thế hệ F1 này có còn nhiều chất Việt hay không phụ thuộc phần lớn vào cách giáo dục trong gia đình.

damcuoi-6904-1387585805.jpg 

Đám cưới của một người Việt tại Mỹ. Ảnh: Jessica Claire

Bên cạnh đó, thì ngay tại trong nước, làn sóng hội nhập tác động vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Theo bà, so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những nước cởi mở trong giao lưu với phương Tây nhất. Khả năng thích nghi của người Việt rất lớn. Đặc biệt, Việt Nam là một trong những nước có thị trường thông tin kỹ thuật số phát triển rất mạnh, nối mạng Internet mạnh mẽ nhất. Không nhiều quốc gia trên thế giới người dân dễ dàng tìm thấy những dịch vụ wifi công cộng dễ dàng như ở Việt Nam.

Tuy nhiên, mặt trái của hội nhập là chúng ta du nhập văn hóa phương Tây thiếu chọn lọc. Một vài ví dụ rất nhỏ như chị em chạy theo xu hướng ăn mặc thiếu vải, xa lạ với văn hóa phương Đông truyền thống, hay việc sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt pha tiếng Anh không cần thiết. Bà từng gặp hai mẹ con người Việt, vào một quán ăn của người Việt, trên chính mảnh đất Việt Nam và nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh. Rồi những nghệ danh ghép nửa Anh nửa Việt… là những xu hướng văn hóa tuy không chết người nhưng rất vô duyên.

Kim Anh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *