Văn hóa cơ sở

Gia Lâm tích cực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Gia Lâm – mảnh đất giao thoa giữa hai nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, sở hữu một kho tàng di sản văn hóa phong phú. Nhằm gìn giữ và phát huy hơn nữa giá trị di sản, trong 5 năm qua, huyện Gia Lâm đã triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường công tác quản lý bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016 – 2020”.

Huyện Gia Lâm được biết đến với những di sản nổi tiếng như: Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, Lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Lễ hội đền Nguyên phi Ỷ Lan… Cùng với đó, trên địa bàn huyện còn có nhiều bảo vật quốc gia như đôi sư tử đá (niên đại thế kỷ XII) và khám thờ gỗ sơn son thếp vàng (niên đại thế kỷ XVI) tại di tích đền – chùa Bà Tấm, xã Dương Xá; các di vật, cổ vật quý giá như tượng “Quan Âm thiên thủ thiên nhãn” thuộc thời Mạc tại chùa Thánh Ân, xã Đa Tốn…  Nơi đây cũng hội tụ nhiều làng nghề truyền thống như làng nghề dát quỳ vàng, bạc Kiêu Kỵ, làng gốm sứ Bát Tràng và Kim Lan, làng thuốc cổ Ninh Hiệp…

Trên địa bàn huyện Gia Lâm hiện có 320 di tích, trong đó 173/320 di tích đã được xếp hạng (01 Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm; 64 di tích xếp hạng cấp Quốc gia; 83 di tích xếp hạng cấp Thành phố; 16 địa điểm gắn biển di tích cách mạng kháng chiến).

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng, xã Phù Đổng. (Ảnh: Internet)

Thực hiện Đề án “Tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”, cho đến nay, UBND huyện đã kiểm kê các hiện vật của 187 di tích trên địa bàn, đạt 58,7% tổng số di tích của huyện, đạt 187% chỉ tiêu Đề án. Đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 197/218 vị trí đất tín ngưỡng, đạt 90% số lượng và đạt 562% so với chỉ tiêu Đề án. Hiện tại, huyện đang tiến hành hoàn thiện hồ sơ các di tích còn lại.

Huyện Gia Lâm đặc biệt chú trọng việc tăng cường tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nghiệp vụ công tác quản lý di tích. Huyện đã tiến hành lập bảng giới thiệu di tích, thần tích các vị thần được thờ tại di tích. Đến nay, 173 di tích xếp hạng các cấp đã có bảng giới thiệu. Đồng thời, đã tổ chức dập, dịch văn bia và tư liệu Hán Nôm tại 50 di tích tiêu biểu xếp hạng Di tích Quốc gia tại các xã, phục vụ công tác quản lý và bảo tồn di sản. Từ năm 2016 đến nay, tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo các di tích trên địa bàn hơn 1.095 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn ngân sách là hơn 716 tỷ đồng, vốn xã hội hóa là 379 tỷ đồng.

Gia Lâm hiện có 100 lễ hội truyền thống được tổ chức ở các thôn, làng. Trong đó, Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức) được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Ngoài ra, nghề dát vàng quỳ Kiêu Kỵ cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia… Nhân dịp kỷ niệm 14 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11) vừa qua, huyện đã ra mắt cuốn sách ảnh “Gia Lâm – Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa”.

Lễ hội làng Chử Xá (xã Văn Đức) – Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Trong thời gian tới, huyện Gia Lâm tiếp tục coi nhiệm vụ bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa – xã hội trên địa bàn; đặc biệt tập trung tuyên truyền, vận động sự chung tay của Nhân dân tại các địa phương trong việc quản lý, bảo tồn phát huy giá trị của các di tích, qua đó tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm trong những năm tới.

Hà Trang

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *