Sáng 22/11, UBND huyện Gia Lâm đã tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2019) và sơ kết 4 năm thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2016-2020”.
Năm 2015, toàn huyện có 318 di tích, trong đó, 158 di tích đã được xếp hạng, đạt tỷ lệ 49,7%, với 1 Khu di tích Quốc gia đặc biệt gồm 10 điểm, 64 di tích cấp Quốc gia và 71 di tích cấp Thành phố. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã lập hồ sơ đề nghị xếp hạng 11 di tích, trong đó, đã được xếp hạng 09 di tích, đạt 48% kế hoạch Đề án; Đề nghị thành phố gắn biển 3 điểm di tích cách mạng kháng chiến, nâng tổng số di tích đã được xếp hạng lên 163/318 di tích, đạt 53,1%.
Một tiết mục biểu diễn tại buổi lễ
Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, trong đó, đã tổ chức 4 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác quản lý di tích; tổ chức Tọa đàm “Giá trị không gian di tích Chùa- Bảo tồn và phát huy” và chỉ đạo tuyên truyền Bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng. 100% di tích trong danh mục kiểm kê di tích của huyện đã được làm bảng, biển trích, niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Đáng chú ý, huyện đã chỉ đạo, hướng dẫn, xây dựng mẫu các bảng giới thiệu về di tích, thần tích và triển khai đến 100% các đơn vị. Đến nay, toàn huyện đã có 82/169 di tích xếp hạng có bảng giới thiệu về di tích, thần tích vị thần được thờ, đạt 48,5% tổng số di tích đã xếp hạng, đạt 164% chỉ tiêu Đề án đặt ra. Các xã, thị trấn đang tiếp tục triển khai thực hiện và phấn đấu đến hết năm 2019, có 100% các di tích được xếp hạng có bảng giới thiệu về di tích, thần tích vị thần được thờ. Là vùng đất cổ, giao thoa giữa hai nền văn hóa Thăng Long và Kinh Bắc, Gia Lâm có tới 318 di tích, trong đó, có nhiều di tích cổ có giá trị bị xuống cấp nghiêm trọng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã đưa vào danh sách tu bổ, tôn tạo 95 di tích. Đến nay, đã tu bổ xong 7 dự án, đưa vào sử dụng với tổng kinh phí gần 170 tỷ đồng.Công tác quản lý lễ hội truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng được quận thực hiện tốt. Gia Lâm hiện có 100 lễ hội truyền thống được tổ chức ở các thôn, làng. Hàng năm, 100% các lễ hội được tổ chức trang trọng, lành mạnh, đảm bảo các quy định văn minh, lễ hội.
Phát biểu tại buổi lễ, Đồng chí Lê Anh Quân – Bí thư huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện ghi nhận và biểu dương những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý di tích huyện trong những năm qua. Để duy trì tốt công tác quản lý di tích trên địa bàn huyện, đồng chí đề nghị các cơ quan đơn vị từ huyện tới các xã, thị trấn cần xác định nhiệm vụ “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng di tích” là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa – xã hội trên địa bàn; đặc biệt cần tập trung tuyên truyền, vận động sự chung tay của nhân dân tại các địa phương trong việc quản lý, bảo tồn phát huy giá trị của các di tích… để công tác quản lý, bảo tồn di tích Gia Lâm đạt được kết quả tốt đẹp trong những năm tiếp theo.
Lãnh đạo khen thưởng các cá nhân, tập thể tại buổi lễ.
Ra mắt cuốn sách”Gia Lâm: Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa” tại buổi lễ
Cũng tại buổi lễ, UBND huyện Gia Lâm đã ra mắt Cuốn sách “Gia Lâm: Di vật, hiện vật tiêu biểu trong di tích lịch sử văn hóa”. Đồng thời, khen thưởng 31 cá nhân và 30 tập thể đạt thành tích xuất sắc trong 4 năm thực hiện Đề án và trao 18 Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Nguyễn Sơn