Sở VHTTDL Hà Nội vừa xây dựng 3 Đề án nâng cấp 3 điểm du lịch là di tích lịch sử nổi tiếng của Thủ đô gồm: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Nhà tù Hỏa Lò.
Tại hội nghị lấy ý kiến của các nhà khoa học và chuyên gia du lịch cuối tuần vừa rồi, đơn vị lập đề án (Công ty CP Quy hoạch Hà Nội) đã đưa ra các giải pháp bảo tồn, tôn tạo gắn với phát triển du lịch bền vững tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn và Nhà tù Hỏa Lò. Nổi lên ở đây là ý tưởng tạo ấn tượng độc đáo, tăng tính hấp dẫn của di tích, thu hút khách du lịch bằng cách đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Đền Ngọc Sơn, một điểm du lịch hấp dẫn của Thủ đô. Ảnh : Duy Anh
Với di tích Nhà tù Hỏa Lò là việc xây dựng lại lịch sự kiện thường niên của di tích, tổ chức các buổi nói chuyện giữa cựu tù chính trị tại nhà tù với khách du lịch và học sinh, sinh viên. Còn sản phẩm ở khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, được đề xuất nghiên cứu thiết kế hàng lưu niệm đặc trưng di tích là bộ ảnh chụp khu di tích và không gian, đồ dùng thủ công mỹ nghệ mô phỏng di tích. Các hoạt động trải nghiệm cũng được tính đến để thu hút khách du lịch đến với di tích.
Tại khu Văn Miếu – Quốc Tử Giám là góc viết thư pháp phục vụ du khách; phòng chiếu các bộ phim ngắn giới thiệu khái quát lịch sử di tích, tái hiện các cuộc thi diễn ra tại Văn Miếu trước đây… Ngoài ra, còn có các hoạt động như thi đánh đàn dân tộc, thổi sáo theo hướng dẫn; nặn tò he, in tranh Đông Hồ… Hoạt động trải nghiệm tại nhà tù Hỏa Lò là "thử" cảm giác "ngồi tù" và cảm giác "Vượt ngục".
Giải pháp kết nối tour, tuyến được đặc biệt nhấn mạnh ở cả 3 đề án. Trong đó, Nhà tù Hỏa Lò được đưa vào danh sách điểm đến quan trọng của các đơn vị lữ hành; kết nối với các tour khác tạo thành các tuyến du lịch. Ví dụ tuyến tham quan cụm di tích trung tâm TP Hà Nội, di tích cách mạng trên địa bàn Thủ đô; tuyến tham quan các nhà tù; tour hoạt động ngoại khóa của các trường học đến các di tích cách mạng Hà Nội… Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ trở thành một điểm của tour du lịch xe điện Hà Nội, tour du lịch trong ngày hoặc dài ngày chuyên đề tham quan các di tích Văn Miếu, chuyên đề về nho học ở miền Bắc hoặc cả nước. Riêng với không gian Văn Miếu, đề án còn đề xuất quy hoạch khu Hồ Văn thành không gian văn hóa chuyên đề phục vụ khách tham quan; cải tạo gò nổi Kim Châu thành CLB sinh hoạt văn hóa nghệ thuật và tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống; vườn Giám thành nơi tổ chức sự kiện và dịch vụ bổ trợ phục vụ du khách…
Phát triển bền vững
Đa số các chuyên gia đều đồng tình với việc nâng cấp điểm đến du lịch tại 3 khu di tích lịch sử này, song sự cẩn trọng, kỹ lưỡng luôn được nhắc đến. Không ít người cho rằng, cần phải xem lưu lượng khách đến đã "quá tải" chưa, bởi hiện tại 2 khu di tích trong số ấy đã quá đông (Văn Miếu – Quốc Tử Giám trung bình đón 1,5 triệu lượt khách/năm; đền Ngọc Sơn đón trên 1,2 triệu lượt khách/năm). Vì thế mà PGS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam đề nghị: "Nâng cấp chất lượng sản phẩm, chất lượng dịch vụ để bán sản phẩm với giá cao, giá vé tham quan tăng lên, tiền thu được nhiều hơn, chứ không phải thu hút được nhiều khách đến. Ngoài việc bán vé tham quan cho khách 1 hoặc 2USD, chúng ta còn bán được nhiều thứ khác. Nếu đón 2 triệu lượt khách du lịch, khu di tích sẽ bị quá tải, gây hại đến môi trường và tàn phá di sản". Hơn nữa, việc nâng cấp điểm đến này nên kết nối với chiến lược phát triển du lịch bền vững và du lịch tâm linh đã được Tổng cục Du lịch đưa ra. Đặc biệt là sự kết nối với Quy hoạch phát triển du lịch của Thủ đô từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Rất nhiều chuyên gia du lịch còn cho rằng 3 điểm di tích này cần tăng cường sưu tầm tư liệu, hiện vật, thông tin để xây dựng sản phẩm phong phú và hấp dẫn. Thêm vào đó, 3 đề án cần tính đến cả giải pháp quản lý cho mỗi công trình ở khu di tích trong khi đi tìm lời giải cho bài toán phát triển du lịch tại đây.
Thủy Trúc