Giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội còn thực sự là bước giậm đà hoàn hảo cho Olympic 2016
Bên cạnh những ý nghĩa lớn như tôn vinh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người; thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT nói chung và phong trào tập luyện cầu lông nói riêng, từ đó phát hiện các gương mặt tài năng để đào tạo, bồi dưỡng trở thành các VĐV xuất sắc trong tương lai, giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise Việt Nam International Challenge 2016 còn thực sự là bước giậm đà hoàn hảo cho Olympic 2016.
Lần thứ 8 liên tiếp được tổ chức và nằm trong hệ thống thi đấu quốc tế chính thức của Liên đoàn Cầu lông thế giới (BWF), giải cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise Việt Nam International Challenge 2016 diễn ra từ ngày 30/5 đến 5/6 tại NTĐ Cầu Giấy (Hà Nội) có sự tham gia của 324 cây vợt đến từ 15 quốc gia, trong đó có nhiều tên tuổi lớn của làng cầu lông thế giới như Wang Tzu Wei (Đài Loan, Trung Quốc), Soo Teck Zhi, Chong Wei Feng (Malaysia), Chochowong Pornpawee (Thái Lan)…
Với tư cách chủ nhà, đội tuyển Việt Nam tham dự với thành phần đông đảo nhất gồm 54 cây vợt và đáng chú ý nhất là sự trở lại của Nguyễn Tiến Minh với tư cách là hạt giống số 1 nội dung đơn nam cùng Vũ Thị Trang là hạt giống số 2 đơn nữ và cặp đôi Đỗ Tuấn Đức – Phạm Như Thảo là hạt giống số 2 đôi nam nữ.
Không chỉ là cuộc so tài đỉnh cao của làng cầu lông quốc tế, diễn ra trước thềm Olympic Rio 2016 chỉ đúng 2 tháng, theo đánh giá chung của giới chuyên môn giải Ciputra Hà Nội 2016 còn là cuộc thử lửa quan trọng nhằm chuẩn bị cho sân chơi Thế vận hội, nhất là với 2 cây vợt nam, nữ hàng đầu của Việt Nam là Tiến Minh và Vũ Thị Trang khi đã giành suất chính thức có mặt tại Brazil vào tháng 8 tới đây.
Thực tế thi đấu của giải đã chứng minh cho nhận định đó, cả Nguyễn Tiến Minh và Vũ Thị Trang đã vô địch ở nội dung đơn nam và nữ sau khi vượt qua các đối thủ đến từ Nhật Bản, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia… Có thể, quy mô và chất lượng của Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise Việt Nam International Challenge chưa thể sánh được với Olympic, sân chơi đỉnh cao nhất của cầu lông thế giới, nhưng rõ ràng, với phong độ đã thể hiện thì cả hai tay vợt hàng đầu Việt Nam có quyền hy vọng vượt qua chính mình tại kỳ Thế vận hội tới đây.
Thành công về mặt chuyên môn là rõ ràng, nhưng có lẽ thành công lớn nhất của giải Cầu lông quốc tế Ciputra Hà Nội là công tác tổ chức và nó không hề mang tính thời điểm mà đến từ quá trình đầu tư nghiêm túc, chuyên nghiệp của chính cầu lông Thủ đô.
Qua 8 kỳ tổ chức, ít ai còn nhớ, thành công hôm nay xuất phát từ cái bắt tay liên kết của đội tuyển cầu lông Hà Nội với Tập đoàn Ciputra vào giữa tháng 11/2005 theo chủ trương xã hội hóa thể thao. Chính cái bắt tay ấy đã “thổi” luồng sinh khí mới vào bộ môn đỉnh cao này của Thủ đô. Cầu lông của Hà Nội bắt đầu chuyển động, hoạt động hiệu quả theo mô hình: Doanh nghiệp liên kết đầu tư, đỡ đầu, tài trợ và CLB vận hành theo hướng chuyên nghiệp. Sự chuyên nghiệp ấy thể hiện qua bộ máy quản lý hoạt động quy củ, có tính chuyên môn sâu, đến công tác tuyển chọn lực lượng, mời chuyên gia hàng đầu đến huấn luyện, đào tạo, và chuyên nghiệp trong cả cách tập luyện, thi đấu của VĐV.
Hơn 10 năm đã đi qua và cũng chính cái bắt tay đó đã giúp Hà Nội trở thành điểm sáng của cầu lông cả nước với hàng loạt những gương mặt tài năng như: Bùi Bằng Đức, Đào Mạnh Thắng, Lê Hà Anh, Mai Anh, Bùi Quang Tuấn, Lê Thu Huyền… không chỉ đủ sức cạnh tranh ở tầm quốc gia, mà đã có những thành tích quốc tế rất đáng ghi nhận. Bên cạnh đó, phải kể đến phong trào cầu lông phát triển mạnh mẽ ở toàn thành, tạo nên chân đến vững chắc cho đỉnh cao phát triển.
Chắc chắn, với thành công của Ciputra Hà Nội – Yonex Sunrise Việt Nam International Challenge 2016, cầu lông Hà Nội còn gặt hái những thành công lớn hơn trong tương lai.
Ngọc Dũng
Theo Thể thao ngày nay