Tin tức - Sự kiện

Giáo dục di sản cho học sinh

Trong tuần qua, cuộc sơ kết Chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) cho thấy, sau một năm triển khai chương trình, đã thu hút hơn 19 nghìn học sinh Thủ đô tham quan tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa. Ngoài […]

Trong tuần qua, cuộc sơ kết Chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) cho thấy, sau một năm triển khai chương trình, đã thu hút hơn 19 nghìn học sinh Thủ đô tham quan tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa.

Ngoài ra, số lượng học sinh tham quan tự do ở cả hai di tích này đạt khoảng 100.000 lượt. Con số này là nhỏ nếu so sánh với hơn 1,9 triệu học sinh các cấp của Hà Nội. Song đây lại là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hầu hết các di tích hay bảo tàng tại Việt Nam chưa có những chương trình giáo dục di sản hấp dẫn, đủ để lại những bài học ấn tượng sâu sắc cho các em học sinh. Năm 2018, để giáo dục di sản không còn là việc tự phát của mỗi nhà trường, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (đơn vị quản lý hai khu di tích quan trọng là Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa) và Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác triển khai Chương trình giáo dục di sản trong các trường học. Lần đầu tiên nội dung giáo dục di sản cho học sinh Thủ đô được đưa vào chương trình học tập một cách có hệ thống, khoa học, phù hợp với từng lứa tuổi.

Với hai chương trình cụ thể là “Em làm nhà khảo cổ” và “Em tìm hiểu di sản”, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã mang đến một hướng tiếp cận mới trong công tác giáo dục di sản, giúp các em học sinh chủ động khám phá, tìm hiểu di sản thông qua các hoạt động tương tác, trải nghiệm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, Chương trình đã giúp học sinh thêm hiểu, thêm yêu di sản, trân trọng các giá trị truyền thống, văn hóa lịch sử của cha ông để lại và bồi đắp lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho các em. Nhiều hiệu trưởng cho biết, đến học tập tại các địa điểm di tích, bảo tàng, các em học sinh rất háo hức. Qua đó tiếp thu rất nhiều điều bổ ích, nâng cao tinh thần tập thể, nền nếp, kỷ luật, biết quan sát thế giới chung quanh, có những hiểu biết cơ bản về giá trị di tích văn hóa, rèn luyện nhiều kỹ năng,… Sau trải nghiệm thực tế đó, trở về với lớp học, các em học tập tiến bộ hơn.

Giáo dục di sản đã góp phần đa dạng hóa hình thức dạy học cũng như kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh. Nhưng với gần 24 triệu học sinh các cấp trên cả nước, việc làm thế nào để giáo dục di sản hiệu quả vẫn là một bài toán khó. Giáo dục di sản cho học sinh là một nội dung được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các địa phương thí điểm triển khai từ vài năm nay. Tuy nhiên, mỗi nơi thực hiện mỗi khác. Ở nhiều trường, công tác giáo dục di sản mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức cho học sinh đi tham quan, tổ chức hoạt động tập thể tại các khu di tích. Thậm chí, việc cho học sinh đến các điểm di tích, bảo tàng chỉ là để đủ hoạt động ngoại khóa trong báo cáo thành tích tổng kết năm học. Đối với các nhà trường, việc xếp thời gian để học nội dung liên quan đưa di sản văn hóa đến với học sinh là rất khó khăn. Lãnh đạo các trường phải thật sự có tâm huyết và giáo viên phải rất linh hoạt về thời khóa biểu, bố trí dạy bù; thu xếp kinh phí cũng như sự ủng hộ của phụ huynh thì mới triển khai được chương trình này.

Còn về phía các di tích và bảo tàng, hiện rất ít đơn vị có mô hình giáo dục di sản cho học sinh như cách của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội hay Bảo tàng Lịch sử quốc gia đang làm (với “Câu lạc bộ Em yêu lịch sử”, “Giờ học lịch sử tại bảo tàng”), tạo điều kiện để học sinh chủ động tìm hiểu vấn đề dựa vào sự gợi mở của giáo viên từ những hiện vật di sản cụ thể sinh động.

Bởi vậy, để giáo dục di sản cho học sinh phổ thông hiệu quả, thì các di tích, bảo tàng cần phải nâng cấp cơ sở vật chất, dịch vụ để phục vụ học sinh; hoàn thiện nội dung chương trình, có các sản phẩm cụ thể phù hợp với các lứa tuổi, cấp học; đẩy mạnh sự kết nối, hợp tác giữa di sản với các nhà trường, các cơ sở giáo dục để thực hiện hiệu quả chương trình. Tổ chức trưng bày phải sáng tạo, hấp dẫn, phù hợp nhu cầu, tâm lý và sở thích các lứa tuổi. Đồng thời tạo không gian văn hóa thích hợp để học sinh được tham gia hoạt động sáng tạo tại bảo tàng; xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các giáo viên, học sinh… Việc xây dựng chương trình giáo dục di sản cho các đối tượng học sinh các cấp phải được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp hơn. Việc đổi mới các chương trình tham quan nhằm thu hút, hấp dẫn lứa tuổi học sinh đến di tích, bảo tàng, như: tổ chức trò chơi, câu đố hấp dẫn, thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa phù hợp với lứa tuổi học sinh… cần được thực hiện thường xuyên.

Theo Báo Nhân dân

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *