Chưa được phân loại

Gìn giữ Hoàng thành Thăng Long cho muôn đời sau

Cách đây tròn 10 năm, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội, […]

Cách đây tròn 10 năm, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa thế giới, tiếp tục khẳng định những giá trị văn hóa, truyền thống ngàn năm của Thăng Long – Hà Nội, đồng thời mở ra những cơ hội trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu bảo tồn và phát huy giá trị. Từ đây, khu di sản bắt đầu một chặng đường mới trong công tác bảo tồn, với sứ mệnh gìn giữ di sản cho muôn đời sau.

Tái hiện nghi thức cung đình tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long.

Bảo tồn đồng bộ, bài bản

Đúng vào dịp thành phố Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (1010-2010), Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã trở thành Di sản văn hóa thế giới, với sự ghi danh của UNESCO. Tại Lễ trao Bằng Di sản văn hóa thế giới vào ngày 1-10-2010, Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova chia sẻ: “Rất ít nước trên thế giới có thể gìn giữ được những ký ức sống động về việc lập đô từ 1000 năm trước… Tôi rất ngưỡng mộ các bạn về điều này… Kể từ hôm nay, các bạn có trách nhiệm với nhân loại, quảng bá, bảo vệ di sản cho thế hệ tương lai, cho giới trẻ”.

Vinh dự đi kèm trách nhiệm, một thập kỷ qua, công tác bảo tồn giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long của Thủ đô Hà Nội đã và đang được triển khai đồng bộ, bài bản, với sự hỗ trợ của Hội đồng tư vấn quy tụ nhiều giáo sư đầu ngành, như: Cố Giáo sư Phan Huy Lê; Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc; Giáo sư Lưu Trần Tiêu; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín… Các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu và bảo tồn di sản được chú trọng triển khai, với việc tập trung nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; lễ hội đèn quảng chiếu và các nghi lễ cung đình khác. Công tác tuyên truyền, quảng bá cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Trưng bày, triển lãm, ứng dụng công nghệ quảng bá trực tuyến, góp phần đưa di sản tiếp cận gần hơn với công chúng và khách tham quan. Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết, trung tâm đã hoàn thành phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Thành cổ tỷ lệ 1/500 (ngày 21-8-2015); triển khai các bước nghiên cứu lập dự án tổng thể bảo tồn, tôn tạo khu di sản. Cùng với đó, công tác nghiên cứu, khai quật, khảo cổ được thực hiện theo lộ trình và kế hoạch hằng năm, thu được nhiều kết quả (khai quật thăm dò khu vực chính điện Kính Thiên năm 2019 làm xuất lộ các tầng văn hóa, dấu tích kiến trúc thời Nguyễn, Lê Trung hưng, Lê sơ, Trần và nhiều loại hình hiện vật…), góp phần nhận diện rõ hơn diện mạo các kiến trúc, công trình trong khu vực cấm thành Thăng Long.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho rằng, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã và đang được bảo tồn đúng hướng, thực hiện tốt các khuyến nghị của UNESCO về mở rộng nghiên cứu khảo cổ học; đẩy mạnh hoạt động giáo dục di sản, quản lý chặt chẽ các hoạt động phát triển du lịch…

Phát huy giá trị di sản lâu dài

Từ một khu di tích nhiều bí ẩn và bắt đầu thu phí tham quan từ tháng 4-2013, đến nay, Hoàng thành Thăng Long đã trở thành một điểm đến nổi tiếng, nơi tổ chức nhiều sự kiện văn hóa lớn của Thủ đô. Những kết quả trong chặng đường vừa qua là tiền đề vững chắc để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long giành được những thành công mới trong thời gian tới, đáp ứng mong mỏi của nhân dân Thủ đô và bạn bè quốc tế.

Để phát huy hiệu quả giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, cần bảo tồn thật tốt các di tích hiện có, đặc biệt là bảo tồn lâu dài khu di tích khảo cổ học theo quy hoạch được phê duyệt. Nghiên cứu, phục dựng các công trình có giá trị tiêu biểu, trước mắt là điện Kính Thiên; xây dựng dự án chi tiết gắn kết khu Thành cổ và Khu di tích khảo cổ 18 Hoàng Diệu. Nhanh chóng cải tạo, sửa chữa tòa nhà Vaxuco thành nơi trưng bày hiện vật…

Còn theo Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Trần Đình Thành, việc triển khai quy hoạch và kế hoạch quản lý; nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên và xây dựng Bảo tàng Hoàng cung trong tương lai là những nhiệm vụ trọng tâm để phát huy giá trị của khu di sản quý giá này.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cho biết, trong giai đoạn tiếp theo, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cần tập trung triển khai các dự án khôi phục không gian điện Kính Thiên; cải tiến các nội dung trưng bày, tái hiện các nghi lễ truyền thống; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo tồn. Đặc biệt, trung tâm phải kết nối Hoàng thành Thăng Long với hệ thống di sản của Thủ đô Hà Nội để phát huy những giá trị, phát triển du lịch, với định hướng trở thành một Công viên văn hóa – lịch sử, một điểm tham quan du lịch hấp dẫn hàng đầu của Thủ đô và cả nước.

Theo Báo Hànộimới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Van-hoa/984173/gin-giu-hoang-thanh-thang-long-cho-muon-doi-sau

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *