Chàng Sơn vốn là một làng nghề truyền thống nổi tiếng thuộc xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội.
Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã ghi dấu ấn bởi những sản phẩm chất lượng, mang bản sắc của làng quê Việt.
Để tạo ra được một sản phẩm quạt hoàn chỉnh, những người thợ phải hết sức tỉ mỉ trong từng công đoạn. Từ lúc chọn ống tre để làm nan quạt, vải lựa sao cho phù hợp với từng loại thân, hồ dán mịn, mỏng nhưng đòi hỏi chắc chắn… đến khi gia công, người thợ cũng phải kiên nhẫn chờ ống tre được ngâm trong thời gian đủ dài, những thanh tre cần được vót mỏng và dày như nhau, vải cắt vừa vặn và khi sử dụng hồ thì khéo léo để kết dính với từng nan quạt. Dù cho bây giờ kỹ thuật phát triển nhưng máy móc chỉ hỗ trợ cắt, tách những nguyên liệu thô, còn phần lớn các công đoạn đều vẫn được làm thủ công. Sản phẩm quạt đẹp phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo, khả năng sáng tạo và cảm thức hội họa của mỗi người thợ Chàng Sơn.
Công đoạn gọt thân quạt.
Khi sản xuất quạt giấy, người dân ở làng nghề có sự gắn kết như một dây chuyền nhịp nhàng. Chị Đỗ Thị Bằng, chủ một tổ hợp sản xuất quạt, cho biết: “Làm quạt có rất nhiều công đoạn, nếu chỉ riêng nhà tôi làm thì không xuể bởi mỗi ngày xuất đi từ 500 đến 700 cái. Thay vào đó, mỗi nhà trong làng làm một công đoạn, nhà vót tre, nhà may cắt vải, nhà hoàn thiện rồi đóng gói. Cứ như vậy, từng phần của quạt được chuyển đi quanh làng, cả làng cùng làm quạt”. Không chỉ là sự gắn kết trong lao động sản xuất, cùng nhau sẻ chia kinh nghiệm, đó còn là nếp sinh hoạt cộng đồng dân cư, thể hiện nét văn hóa truyền thống Việt Nam.
Ngoài những sản phẩm quạt phục vụ đời sống sinh hoạt, quạt Chàng Sơn còn đóng vai trò quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam qua những sản phẩm quạt du lịch có in các câu đối, danh lam thắng cảnh của đất nước, quạt tranh để trang trí, quạt lụa trong các đoàn biểu diễn nghệ thuật…
Những chiếc quạt được coi là nghiệp của người dân
Nói về việc bảo tồn và giữ gìn làng nghề truyền thống, chị Phí Thị Loan, một người thợ làm quạt, tâm sự: “Làm quạt với người dân ở Chàng Sơn giống như cái nghiệp vậy, mình chọn nghề và nghề cũng chọn mình”.
Đi trong làng, không khó để bắt gặp hình ảnh những cụ già ngồi vót thân quạt, những người phụ nữ đem ống tre ra phơi nắng, những đứa trẻ ngồi giúp bà, giúp mẹ. Đó là những công việc bình dị trong đời sống hằng ngày, nhưng cũng là cách mà dân làng Chàng Sơn gìn giữ nghề cổ truyền trong nhiều năm qua.
Thanh Hằng
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm