Triển lãm

Giới thiệu bộ sưu tập hơn 500 cổ vật độc đáo tại trưng bày “Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố”

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024), sáng 8/10, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Hội Cổ vật Thăng Long – Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố” giới thiệu bộ sưu tập hơn 500 cổ vật độc đáo.

Lễ cắt băng khai mạc trưng bày

Từ những năm 1990 trở về trước, các nhà sưu tập thường đề cao việc sưu tầm, sở hữu những món đồ sứ, đồ gỗ nước ngoài thì nay xu hướng sưu tập mới đã được Việt hóa – tức là đề cao văn hóa Việt trong các bộ sưu tập của mình. Triển lãm “Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố” là cơ hội để công chúng, các nhà nghiên cứu chiêm ngưỡng, tìm hiểu và có cái nhìn rõ nét hơn về văn hóa, nghệ thuật và tính đa dạng trong cách thức thể hiện thông qua họa tiết hoa văn của các hiện vật được trưng bày tại đây.

Trưng bày thu hút đông đảo khách tham quan

Trưng bày chuyên đề “Văn minh sông Hồng đến Hà Nội phố” được thể hiện qua bốn loại hình hiện vật gồm:

Đồ đồng Đông Sơn có niên đại từ thế kỷ V trước công nguyên đến đầu thế kỷ I-III sau công nguyên, bao gồm các loại hiện vật như: trống, thạp, dao, rìu, tượng người, tượng con vật… được phát hiện và sưu tầm chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và ven các dòng sông như: Sông Hồng tại Hà Nội, sông Mã tại Thanh Hóa, sông Cả tại Nghệ An…

Trống đồng (niên đại thế kỷ 5 – 3 TCN) 

Nhóm hiện vật đồ gốm có niên đại từ thế kỉ XI – XVII bao gồm các loại: thạp, chum, con giống, ấm, bình vôi, bát, đĩa…được phát hiện và sưu tầm ở các tỉnh thành phía Bắc Việt Nam như: Hải Dương, Hòa Bình, Tuyên Quang, Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An…

Đầu rồng (đất nung, men lục, được dùng trong trang trí kiến trúc)

Đồ sứ ký kiểu của vua chúa Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX đặt hàng tại Trung Hoa và đồ sứ Trung Hoa thế kỷ XVIII – XIX với Đồ sứ ký kiểu gồm: ấm, chén, đĩa, bát, nậm rượu… Đồ sứ Trung Hoa gồm: chum, chóe, chậu hoa, ống bút… được sưu tầm tại các thành phố lớn, chủ yếu ở Hà Nội, Nam Định, Huế, thành phố Hồ Chí Minh…

Và cuối cùng là nhóm hiện vật chất liệu gỗ sơn son thếp vàng và đồ thờ cúng gồm: sập thờ, khám, hoành phi, câu đối và tượng…có niên đại từ thế kỷ XVII – XIX, được sưu tầm tại các tỉnh thành phố phía Bắc như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Hài Phòng, Nam Định…

Với hơn 500 cổ vật của các hội viên, các nhà sưu tập trên địa bàn thành phố Hà Nội, trưng bày lan tỏa tình yêu gốm Việt cổ nói riêng và những cổ vật tinh hoa của dân tộc nói chung; lan tỏa những giá trị nhân văn đã được lưu giữ qua nhiều thế kỉ, khơi lại mạch nguồn văn hóa truyền thống dân tộc.

Trưng bày diễn ra tại tầng 4, Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ 08/10 đến ngày 30/10/2024.

Trung Kiên

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *