Tối 31/12, tại Quảng trường trước sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức không gian sáng tạo phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống với chủ đề: Giới thiệu nghệ thuật truyền thống trong đời sống đương đại “Quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long- Hà Nội”.
Đây là hoạt động đặc sắc trong dịp đầu năm mới, góp phần triển khai, thực hiện sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, đồng thời góp phần bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô nghìn năm văn hiến, bồi đắp và phát triển hệ giá trị văn hóa Thăng Long- Hà Nội, xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” gắn với truyền thống văn hóa sáng tạo của Hà Nội nghìn năm văn hiến, Thủ đô Anh hùng, Thành phố vì Hòa bình.
Tham dự chương trình có đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đồng chí Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành Thành phố; lãnh đạo Quận ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ quận Nam Từ Liêm và đông đảo các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Chương trình nghệ thuật diễn ra với 2 nội dung chính, gồm: Kết nối sáng tạo giữa truyền thống, hiện đại và Hành trình kết nối yêu thương- Khúc ca mùa xuân.
Ở phần thứ nhất, khán giả được thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như: Hát Xẩm theo phong cách đương đại với sự tham gia của ca sỹ Hà Myo cùng ekip Ráp, EDM, đàn nhị và vũ đoàn Homiez; Hát Chèo với ca khúc “Hát mừng Hà Nội” và “Thêm thắm tình ta” do NSUT Quốc Phòng biểu diễn. Múa dân gian: “Cây đa quán dốc”, “Trống cơm” và “Tát nước đầu đình”; Hát Chầu Văn: “Cô đôi thượng ngàn”; Hát Xoan: “Trò chơi í a trời cho” và một số loại hình đương đại như Hát cùng band nhạc phong cách Rock 02 ca khúc: “Qua cầu gió bay” và “Ra khơi”.
Ở phần thứ hai, khán giả được thưởng thức nhiều ca khúc mang âm hưởng của mùa xuân như: “Hoa cỏ mùa xuân”, “Nàng xuân hát”, “Tết đong đầy”; Maskup 3 ca khúc: “Ngày xuân long phụng sum vầy”, “Xuân bên em” và “Xuân yêu thương” cùng một số loại hình đương đại theo phong cách Rock như ca khúc: “Lắng nghe mùa xuân về”, “Thì thầm mùa xuân”, “Đi thật xa để trở về” và các loại hình truyền thống kết nối như tiết mục sáo trúc: “Truy kích”, “Cùng hành quân giữa mùa xuân” và Hát Xẩm: “Xẩm Xuân Chúc phúc”.
Bên cạnh hoạt động trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và đương đại còn diễn ra hoạt động chiếu phim “Hà Nội tham gia mạng lưới các thành phố Sáng tạo” và trưng bày, giới thiệu một số hình ảnh sáng tạo trong quảng bá, giới thiệu nghệ thuật truyền thống.
Các hoạt động được triển khai nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra trong Kế hoạch số 217/KH-UBND ngày 12/8/2022 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc thực hiện Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 22/2/2022 của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tôn vinh các giá trị di sản văn hóa phi vật thể Thăng Long – Hà Nội, là dịp để các loại hình di sản văn hóa phi vật thể được biểu diễn, giới thiệu, quảng bá đến với công chúng, cộng đồng trong nước và bạn bè quốc tế; nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, nghệ thuật trình diễn dân gian nói riêng; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thanh Mai