Ngày 18/8, Sở Văn hóa và Thể thao và Quỹ Văn hóa Hà Nội đã chính thức tổ chức thực hiện chương trình “Về nguồn – trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam” năm 2016.
Các bạn trẻ tham gia sẽ được tương tác trực tiếp, trải nghiệm tìm hiểu về các làng nghề, về những nét văn hóa truyền thống Việt Nam thông qua các chuyến đi thực tế.
Tiếp nối thành công của cuộc thi “Khám phá các di sản thế giới ở Hà Nội – Thành phố vì hòa bình” năm 2014; và thành công của chương trình “Về nguồn – trải nghiệm cùng di sản văn hóa phi vật thể ở Hà Nội xuân Ất Mùi” năm 2015, nhằm mục đích tạo ra nhiều cơ hội để nhân dân Thủ đô, đặc biệt là các bạn trẻ được tìm hiểu, trải nghiệm cùng các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam; Đồng thời góp phần quảng bá một cách hiệu quả và rộng rãi những hình ảnh, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội tới nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, thông qua chuỗi các hoạt động diễn ra sẽ góp phần tìm ra những hướng đi thích hợp cho sự phát triển của làng nghề truyền thống Hà Nội và các tỉnh lân cận trong thời kỳ hội nhập; Nâng cao nhận thức của người tham gia về giá trị của sức lao động, tầm quan trọng của nghề truyền thống và vốn quý của di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong các ngôi làng.
Chương trình “Về nguồn” năm 2015 đã thu hút được gần 1000 đơn đăng ký, BTC đã lựa chọn được 114 Nhân vật trải nghiệm tham gia 8 số trải nghiệm với các loại hình di sản văn hóa thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn dân gian (Múa rối nước, Ca trù, Xẩm, Chèo truyền thống), lĩnh vực lễ hội truyền thống (Lễ hội Phủ Tây Hồ, Lễ hội Đền Voi Phục); lĩnh vực làng nghề truyền thống (Nón lá làng Chuông, Tò he làng Xuân La); và đã nhận được về 113 tác phẩm thu hoạch của các nhân vật trải nghiệm sau những chuyến đi.
Ban tổ chức khẳng định, so với năm 2015, chương trình “Về nguồn” năm 2016 sẽ có những đổi mới sâu sắc và toàn diện hơn với việc mở rộng ra 2 tỉnh Bắc Ninh, Thái Bình, các nhân vật trải nghiệm sẽ được tham gia một khóa học Chèo – Xẩm – Chầu Văn, “1 hành trình – 3 khám phá” với trải nghiệm thực tiễn tại làng Chèo Khuốc – Thái Bình. Bên cạnh đó, BTC cũng lựa chọn trải nghiệm chuyên sâu về 5 làng nghề thủ công truyền thống là: Làng Cốm Mễ Trì, Làng Gốm Bát Tràng, Làng Chuồn chuồn tre Thạch Xá, Làng Rối nước Đào Thục, Làng Tranh Đông Hồ. Quỹ Văn hóa Hà Nội đã mở rộng hợp tác cùng dự án văn hóa cộng đồng “Tôi xê dịch”, “Chèo 48h” đầu tư vào việc xây dựng nội dung trải nghiệm sâu sát với những vấn đề nóng của các làng nghề trong quá trình phát triển như: Đề cao giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử trong các sản phẩm thủ công; Truyền thông và quảng bá vẻ đẹp truyền thống của làng nghề; Giữ gìn và bảo tồn tinh hoa thủ công trong quá trình cơ giới hóa sản xuất;… Hai điểm khác biệt lớn nhất của chương trình năm nay là các nhân vật trải nghiệm sẽ được BTC đào tạo kỹ năng trải nghiệm trước khi tham gia chương trình; và hình thức truyền tải thông điệp nội dung đến cộng đồng là qua các chuỗi trò chơi sáng tạo dành cho các đội nhân vật trải nghiệm.
Song song với hoạt động tìm hiểu và trải nghiệm tại từng làng nghề, các nhóm nhân vật trải nghiệm sẽ thi viết đề án đề xuất giải pháp phát triển làng nghề mà mình được trải nghiệm, đây là cơ hội cho các bạn thể hiện những gì mình đã học được trong quá trình tham gia chương trình, đồng thời có cơ hội nhận được những phần thưởng hấp dẫn khi chiến thắng cuộc thi.
Sau hai tuần phát động, tính đến thời điểm hiện tại, Ban tổ chức đã tiếp nhận được khoảng 90 lá đơn đăng kí của các nhóm bạn trẻ là học sinh, sinh viên đến từ các trường học trên toàn thành phố Hà Nội. Các bạn trẻ muốn tham gia chương trình có thể thành lập nhóm và gửi đơn đăng ký về cho BTC theo địa chỉ email: vich.hcf@gmail.com. Chương trình không thu phí tham gia đối với tất cả các nhóm trải nghiệm. Các chuyến trải nghiệm sẽ được tổ chức theo lịch trình cụ thể trong khoảng thời gian từ ngày 20/08 đến 24/09/2016.
Thanh Hằng
Theo MaskOnline