Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, các cấp Hội phụ nữ đã vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng…
Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Hà Nội đã có nhiều hoạt động thiết thực trong việc tuyên truyền, vận động phụ nữ rèn luyện phẩm chất đạo đức xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Thực hiện Chương trình 06-CTr/TU của Thành uỷ về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” được Thành ủy ban hành ngày 17/3/2021 và Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/8/2022 của UBND Thành phố về việc “Tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2025”, thời gian qua, Hội LHPN Thành phố đã cụ thể hóa bằng nhiều hình thức phong phú, như: Sinh hoạt hội viên, tập huấn, hội thảo, tọa đàm, hội thi, diễn đàn, bằng các hình thức trực tiếp, trực tuyến…
Hội LHPN Thành phố đã phát động Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp giai đoạn 2022 – 2026”; phát động phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô Trung hậu – Sáng tạo – Đảm đang – Thanh lịch”; cuộc vận động “Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “5 có, 3 sạch”; xây dựng mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”; “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”; “Tổ Dân phố, Thôn văn hóa kiểu mẫu”…góp phần xây dựng lối sống người Hà Nội thanh lịch – văn minh.
Thực hiện cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”, các cấp Hội tập trung vận động, hướng dẫn phụ nữ Thủ đô rèn luyện văn hóa trong ăn, mặc, nói năng, giao tiếp; văn hóa ứng xử trong gia đình và nơi công cộng… Nhiều hoạt động được tổ chức, nổi bật là cuộc thi ảnh trực tuyến “Nét đẹp Phụ nữ Thủ đô”; Cuộc thi “Nữ Doanh nhân Tâm – Tài – Thanh lịch”; cuộc thi trực tuyến Clip tiểu phẩm tuyên truyền “Phụ nữ Thủ đô với văn hóa giao thông”. Ra mắt 22 mô hình “Phụ nữ ứng xử đẹp”.
100% cơ sở Hội đã tổ chức tuyên truyền nội dung 02 bộ Quy tắc ứng xử trên địa bàn thành phố cho 1,5 triệu lượt hội viên phụ nữ. Từ các Hội nghị tuyên truyền đã truyền tải những nội dung, quy định cơ bản của 02 Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng thói quen, thái độ, cách ứng xử thân thiện, lịch sự cho cán bộ, hội viên và Nhân dân tại các cơ quan công sở và nơi công cộng, góp phần xây dựng hình ảnh Người Phụ nữ Thủ đô thanh lịch, văn minh.
Hội LHPN nhiều quận, huyện đã đa dạng hóa các hình thức tổ chức tuyên truyền 02 Quy tắc ứng xử, như: Hội thi tuyên truyền “Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội” và “Diễn đàn sống đẹp”; Hội thi “Phụ nữ chung tay thực hiện kỷ cương hành chính và văn hóa ứng xử nơi công cộng”; tổ chức nói chuyện chuyên đề “Văn hóa ứng xử và nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc gia đình”; tổ chức phát động nữ tiểu thương thực hiện Quy tắc ứng xử, văn minh thương mại tại chợ hoặc tổ chức giao lưu các tiểu phẩm “Xây dựng nét đẹp trong văn hóa kinh doanh” tại chợ; Liên hoan tiểu phẩm tuyên truyền văn hóa ứng xử phụ nữ Thủ đô… Từ đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, hội viên phụ nữ trong việc xây dựng người Hà Nội phát triển toàn diện, thanh lịch – văn minh, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia.
Triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, các cấp Hội phụ nữ đã vận động xây dựng nếp sống văn hóa trong gia đình và cộng đồng, mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh trong việc cưới, việc tang” với các hoạt động tuyên truyền, tọa đàm, ký cam kết của cán bộ, hội viên phụ nữ và gia đình thực hiện nếp sống văn minh khi tổ chức việc cưới, việc tang. Kết quả, đã tuyên truyền, vận động trên 12.631 đám cưới, 8.367 đám tang của gia đình cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện nếp sống văn minh.
Cụ thể hóa thực hiện Quy tắc ứng xử bằng hình ảnh trực quan.
Bên cạnh đó, Hội LHPN còn triển khai mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả”, “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu”, “Tổ Dân phố, Thôn văn hóa kiểu mẫu”. Mô hình “Chợ văn minh – an toàn – hiệu quả” được thí điểm tại 05 chợ của quận Đống Đa và huyện Đan Phượng. Mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” được thí điểm tại 6 di tích của 3 huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Đông Anh. Mô hình điểm “Tổ dân phố, thôn văn hóa kiểu mẫu” được triển khai điểm tại 5 tổ dân phố tại 5 phường thuộc quận Ba Đình.
Từ tháng 7/2023, Hội LHPN Hà Nội sẽ triển khai nhân rộng các mô hình ra 35 chợ truyền thống, 35 điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh tại các quận, huyện, thị xã còn lại và 35 thôn, tổ dân phố tại các quận, huyện, thị xã còn lại.
Mô hình “Danh lam thắng cảnh, Di tích lịch sử kiểu mẫu” tại huyện Đông Anh
Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Đoạn đường, tuyến phố bích họa nở hoa” do các cấp Hội Phụ nữ tự quản. Hội LHPN Hà Nội đã chấm thi và trao giải cho 30 đoạn đường, tuyến phố của Hội LHPN các quận, huyện, thị xã.
Hội LHPN Hà Nội xây dựng các mô hình như “Biến điểm chân rác thành vườn hoa phụ nữ tự quản”; “Phụ nữ tham gia xây dựng điểm sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa xanh – sạch – đẹp thân thiện với môi trường”. Mô hình này được triển khai tại 18 huyện và thị xã Sơn Tây từ năm 2018, đến nay đã có gần 800 điểm sinh hoạt cộng đồng xanh – sạch – đẹp, tạo hiệu ứng tốt trong dư luận.
Có thể nói, Hội LHPN Thành phố đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần xây dựng hình ảnh người phụ nữ Thủ đô thanh lịch, văn minh, hiện đại, giữ gìn và phát huy nét đẹp của người Tràng An – Hà Nội
Quỳnh Anh