Di sản – Bảo tồn

Giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Là Thủ đô – trái tim của cả nước, Hà Nội sở hữu số lượng lớn di sản, nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa và lịch sử. Những năm qua, Hà Nội là địa phương đi đầu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa. Đặc biệt, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Hà Nội đã đạt nhiều kết quả trong giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Đi đầu về thống kê di sản văn hóa phi vật thể

Năm 2016, Hà Nội hoàn thành Đề án “Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014 – 2016”. Theo đó, Hà Nội có 5.922 di tích, trong đó có 01 di sản thế giới, 20 di tích Quốc gia đặc biệt, 1.163 di tích cấp quốc gia, 1.500 di tích cấp thành phố (TP) và 3.238 di tích (đưa vào danh mục kiểm kê phục vụ cho công tác xếp hạng di tích). Đề án này đã đưa Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành tổng kiểm kê di tích, di sản văn hóa phi vật thể. Qua đó xác định loại hình cần ưu tiên bảo vệ, nhất là với các di sản có nguy cơ mai một. Trên cơ sở kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, TP triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng; thực hiện giáo dục di sản văn hóa phi vật thể cho học sinh phổ thông.

Nhiều nỗ lực bảo tồn di sản

Để huy động cả cộng đồng và hệ thống chính trị tham gia bảo vệ, phát huy giá trị di sản, ngày 18/2/2022, UBND TP Hà Nội ban hành Kế hoạch số 55/KH-UBND về “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội đến năm 2025” với những nội dung thực hiện từng năm và trọng tâm các năm; Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND, ngày 19/9/2016 của UBND TP Hà Nội quy định “Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực hạ tầng, kinh tế – xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội”…, trong đó xác định rõ TP  trực tiếp quản lý 10 di tích văn hóa tiêu biểu và phân cấp quản lý các di tích văn hóa còn lại cho các quận, huyện, thị xã; quy định ngân sách TP đầu tư cho các di tích quốc gia đặc biệt, di tích cách mạng kháng chiến và hỗ trợ một phần kinh phí đầu tư tu bổ, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quốc gia do cấp huyện quản lý.

Hội thề Trung hiếu đền Đồng Cổ- Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia được giữ gìn, phát huy giá trị

Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về số lượng các di sản văn hóa với 1793 di sản văn hóa phi vật thể (kiểm kê năm 2016), bao gồm tất cả các loại hình với sự phong phú, đa dạng và giá trị vào loại bậc nhất. TP chủ động tiến hành triển khai thực hiện các chương trình bảo tồn và phát huy các di sản  đang có nguy cơ bị mai một; lựa chọn 02 di sản thuộc loại hình trình diễn dân gian và nghề thủ công là: Múa rối nước làng Ra (xã Bình Phú, huyện Thạch Thất) và Nghề dệt lụa Vạn Phúc (phường Vạn Phúc, quận Hà Đông) để xây dựng hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Kiểm kê 1.934 điểm di tích, đền, điện, phủ thờ có thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ và số lượng các thanh đồng, cung văn, thủ nhang. Tư liệu hóa và in ấn tài liệu, tọa đàm khoa học nhằm tuyên truyền tăng cường công tác quản lý thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ; thống kê, phân loại những lễ hội vùng, lễ hội có các nghi thức, nghi lễ truyền thống …

Từ năm 2012, Hà Nội đã triển khai phương pháp giáo dục di sản với nhiều hình thức, hướng tới nhiều đối tượng. Thông qua hành trình khám phá di sản  với nhiều hoạt động đa dạng, hấp dẫn, nhiều di tích như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã tạo dựng được thương hiệu, tăng sức hút với du khách. Hà Nội cũng đã triển khai, thực hiện việc số hóa di sản. Qua đó góp phần lưu trữ những tư liệu, hình ảnh quý, xây dựng được hệ thống dữ liệu chung của các di tích, địa chỉ đỏ trên địa bàn TP, đồng thời giúp người dân trong và ngoài nước hiểu biết, thêm yêu văn hóa truyền thống của Thủ đô. Công tác ghi danh di sản văn hóa phi vật thể; tôn vinh người nắm giữ di sản ngày càng được quan tâm, chú trọng. Toàn TP hiện có 5 di sản được UNESCO ghi danh ở nhiều nội dung; 26 di sản trong danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 18 Nghệ nhân Nhân dân và 113 Nghệ nhân Ưu tú.

Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa

Công tác tu bổ di tích được TP quan tâm, chỉ đạo hàng năm. Năm 2022, TP ban hành Nghị quyết về bổ sung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ vốn kế hoạch năm 2022 thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp TP, với tổng số 579 dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị các di tích, kinh phí 14.029 tỷ đồng, trong đó có 58 dự án cấp TP và 521 dự án ngân sách TP hỗ trợ cấp huyện. Đến nay, việc triển khai đã đạt được kết quả bước đầu. Đã có 14/49 dự án do TP đầu tư đã phê duyệt chủ trương, 09 dự án đã thẩm định dự án, 06 dự án đã phê duyệt dự án, 02 dự án đang thi công, 04 dự án đã hoàn thành. Đối với dự án do TP hỗ trợ đầu tư, đã có hơn 166 dự án đã được thẩm định, 150 dự án đã được phê duyệt và 100 dự án đang thi công tu bổ, tôn tạo.

Hà Nội vinh danh Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú

TP đã ban hành quy định về phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn TP Hà Nội; hàng năm thành lập các đoàn công tác kiểm tra công tác quản lý tiền công đức, tài trợ tại các di tích trên địa bàn TP; tổ chức các lớp tập huấn công tác quản lý, tu bổ, tôn tạo di tích và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn TP; dự thảo Nghị quyết của HĐND Thành phố về cơ chế hỗ trợ công tác quản lý di tích tại cơ sở, chế độ đãi ngộ cho người trông coi di tích, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ trực tiếp tham gia hoạt động bảo tồn, tôn tạo di tích tại cơ sở.

Gắn với di tích là lễ hội. Hà Nội hiện có hơn 1.600 lễ hội quy mô lớn, nhỏ khác nhau. Trong những năm qua, Thành ủy, UBND TP đã hướng dẫn của các sở, ban, ngành liên quan, cấp ủy và chính quyền các cấp, công tác tổ chức và quản lý lễ hội trên địa bàn TP đã thu được nhiều kết quả tốt, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, bổ ích, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của Nhân dân.

Thanh Bình

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *