Văn hóa

Giữ nghề truyền thống đất Kinh kỳ

Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến gần trọn cuộc đời. Mỗi người theo một ngành, một nghề nhưng đều có chung trái tim yêu Hà Nội. Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh […]

Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến gần trọn cuộc đời. Mỗi người theo một ngành, một nghề nhưng đều có chung trái tim yêu Hà Nội.

Họ được sinh ra ở Hà Nội, hoặc đã gắn bó với mảnh đất kinh kì ngàn năm văn hiến gần trọn cuộc đời. Mỗi người theo một ngành, một nghề nhưng đều có chung trái tim yêu Hà Nội. Để rồi, với khả năng của mình, họ đã, đang đóng góp, cống hiến sức lực, góp phần xây dựng một Hà Nội hiện đại, văn minh mà văn hiến…
Khu phố cổ là tên người dân quen gọi một khu vực đô thị có từ lâu đời của Hà Nội. Đặc trưng nổi bật của khu phố cổ là có các phố nghề. Thợ thủ công từ các làng nghề quanh Thăng Long xưa đã về đây, tập trung theo từng phố để làm nghề. Trải qua nhiều năm, ngày nay, giữa cuộc sống đô thị ồn ã, vẫn có những người thợ thủ công thầm lặng, kiên trì giữ nghề  truyền thống.
Nghe tiếng máy tiện trong lòng phố cổ
Nối từ Hàng Quạt đến Hàng Gai, phố Tố Tịch quận Hoàn Kiếm (người dân quen gọi là Tô Tịch) xưa là con ngõ nhỏ, sau mở rộng thành phố từng nổi tiếng với nghề tiện gỗ. Nghe kể lại, tiện gỗ vốn là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân làng Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (cũ).
Sau khi tiện thành hình, người thợ đem những sản phẩm gỗ chủ yếu phục vụ nhu cầu tâm linh như ống hương, bát nhang, mâm bồng, đài nến… đi sơn son thếp vàng rồi bán cho người dùng.
Hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống, nhu cầu sử dụng đồ tiện gỗ ít dần, thay vào đó, người dân chuyển sang dùng đồ nhựa, sứ… Các cửa hàng tiện gỗ dần dần được chuyển đổi công năng, trở thành hàng ăn, khách sạn mini. Nhưng có một người thợ ở phố Tố Tịch vẫn không chịu bỏ nghề.
Đó là anh Lê Đình Thắng, SN 1967, chủ cửa hàng tiện gỗ ở số 7 phố Tố Tịch.
Anh Thắng cho biết: Tiện gỗ là nghề gia truyền của gia đình anh. Gọi là gia truyền vì nghề không được truyền cho người ngoài. Bố anh, cụ Lê Đình Trai, trước đây là một thợ tiện lành nghề, từ quê Nhị Khê ra lập nghiệp tại phố Tố Tịch từ những năm 50 của thế kỷ trước. 7 anh em anh Thắng đã lớn lên trong lòng phố cổ, cùng tiếng gõ, đục lách cách, quen hít hà mùi gỗ thơm nồng. Chẳng thế mà có thời gian, anh Thắng từng đi làm nghề khác, nhưng rồi sau đó, lại trở về nhà học tiện gỗ từ người bố.
Với anh Lê Đình Thắng được làm việc và giữ lấy nghề truyền thống là một hạnh phúc 
“Đến nay, tôi đã có gần 25 năm theo nghề” – anh kể lại. “Học nghề tiện không khó bởi chỉ sau vài tháng là đã có thể làm nghề. Tuy nhiên, từ lúc biết nghề tới lúc thạo nghề, có thể tạo ra sản phẩm đẹp mắt lại là cả quá trình luyện tập, học hỏi chuyên cần của người thợ”. Tùy độ to, nhỏ, cầu kỳ của từng sản phẩm mà anh có thể mất vài chục phút tới vài tiếng tiện, thậm chí nhiều ngày mới hoàn thành.
Với người lành nghề như anh Thắng, đôi mắt tinh tường, sự cảm nhận của bàn tay là bí quyết giúp anh có những sản phẩm tiện đẹp, cân đối về kích thước, đường nét nuột nà mà không cần phải đo đạc, kẻ vẽ nhiều. “Từng sản phẩm gỗ làm ra đều mang theo tâm huyết của tôi nên tôi đều trân trọng chúng” – anh chia sẻ.
Cũng vì tình yêu nghề ấy nên trải qua bao thăng trầm của nhịp sống, anh Thắng vẫn không thể nào bỏ được nghề. Hàng ngày, từ 8 giờ sáng tới 8 giờ tối, giống như nửa thế kỷ qua, cửa hàng tiện gỗ chỉ rộng chừng 10m2 của gia đình anh vẫn đều đặn mở cửa đón khách. Ngoài bày bán đồ thờ, hiện nay, anh còn tiện thêm hàng trăm món đồ khác nhau như dùi trống, chầy, cối, con lăn bột, que tung hứng cho đoàn xiếc, tay vịn cầu thang, chấn song cửa, bình rượu, khuôn xôi, đế cờ, cờ bàn, chân nến…
Qua bàn tay anh, nhiều khúc gỗ thô mộc, xù xì, tưởng không có giá trị đã có đời sống mới. Mặc dù thu nhập từ nghề hiện chỉ đủ ăn, nhưng, anh Thắng vẫn hài lòng. “Cũng có người khuyên tôi nghỉ nghề rồi cho thuê cửa hàng… Nhưng với tôi, được làm việc và giữ lấy nghề truyền thống còn ý nghĩa hơn cả tiền bạc, vật chất” – anh Thắng chia sẻ.
5 thế hệ chế tác kim hoàn
Không có cửa hàng mặt phố, nhưng ngôi nhà của cụ bà Hoàng Thị Khuê nằm sâu trong con ngõ 114 Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm lại được nhiều người tìm tới mỗi khi có nhu cầu mua đồ bạc. Cụ Khuê là một trong những nghệ nhân cao niên, am hiểu nghề chế tác kim hoàn vẫn còn “sót lại” của phố nghề Hàng Bạc.
Cụ Khuê sinh năm 1935, là con gái một chủ hiệu tơ lụa ở phố Hàng Đào. 19 tuổi, cụ về làm dâu gia chủ hiệu vàng Nghĩa Lợi ở phố Hàng Bạc. Ngày đó, việc chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc của gia đình chồng cụ rất tấp nập. Trong nhà có khoảng 3 đến 4 thợ chế tác chính cùng hàng chục thợ khác tại các xưởng. Đây là nghề gia truyền của gia đình, tính đến đời cụ Khuê là 4 thế hệ. Chính cụ Khuê cũng được mẹ chồng dạy nghề, sau đó cùng chồng tiếp quản cửa hiệu Nghĩa Lợi. Các anh em chồng của cụ thời đó đều có cửa hàng bán đồ mỹ nghệ riêng trên phố Hàng Bạc.
Ở tuổi ngoài 80, cụ Hoàng Thị Khuê vẫn say sưa với nghề chế tác kim hoàn
Khoảng những năm đầu 60 của thế kỷ trước, gia đình cụ Khuê tạm dừng nghề gia truyền. Cụ Khuê đi làm tại xí nghiệp dệt hơn 20 năm, cho tới khi về hưu được mấy năm, cụ quyết định tìm về với nghề xưa. Đó cũng là giai đoạn đất nước mở cửa, người dân đã có của ăn của để nên có điều kiện nghĩ tới việc mua trang sức làm đẹp cho mình hoặc để tích trữ. Cửa hàng mặt phố không còn, cụ Khuê đặt một chiếc tủ kính nhỏ ở đầu con ngõ 114 Hàng Bạc, bày bán chuyên về các đồ trang sức bằng Bạc do gia đình cụ sản xuất.
Hàng Bạc, xưa là phường nghề đúc bạc, một trong số ít phố nghề thủ công truyền thống hiện còn hoạt động khá sầm uất. Dọc con phố có nhiều cửa hàng chế tác kim hoàn vẫn sáng đèn từ sáng tới đêm khuya. Nhưng, “ô tủ lấp lánh đồ trang sức bạc” của cụ Khuê vẫn có sức hấp dẫn riêng bởi khách hàng tin vào triết lý kinh doanh của cụ.
“Tôi được mẹ chồng dạy, dù buôn bán mặt hàng gì cũng phải có Tâm, Đức, giữ được chữ Tín. Đồ trang sức của nhà tôi chủ yếu được làm từ bạc Việt Nam nguyên chất, tuyệt đối không trà trộn bạc kém chất lượng, không nguồn gốc”. Không chỉ thế, cách bán hàng của cụ Khuê và con cháu cũng toát lên nét thanh lịch của người Hà Nội. Các sản phẩm đều được gia đình niêm yết giá rõ ràng, khách không cần mặc cả, không sợ bị mua hớ. Khách chỉ đến xem hàng mà không mua vẫn được gia chủ chỉ dẫn và đón tiếp vui vẻ.
Ngoài các loại trang sức bạc truyền thống như bộ kiềng, vòng, nhẫn, hoa tai… để bắt kịp thị hiếu khách hàng, mỗi năm, cụ Khuê lại sáng tạo, cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm bạc mới với mẫu mã, hoa văn cũng hiện đại hơn. Đó có thể là đồ lưu niệm mang bản sắc Việt Nam như chiếc nón lá, bát, đũa, hộp đựng trầu in hình hoa sen… phục vụ du khách ngoại quốc mua về trưng bày, hay sợi dây chuyền có hình hoa sen, hoa cúc… đậm chất Hà Nội. Ngoài ra, nhiều du khách còn tìm đến tận nhà đặt cụ làm theo mẫu riêng, hoặc đưa ra ý tưởng rồi sau đó cụ sẽ giúp họ chế tác ra sản phẩm ưng ý.
Cụ Khuê cho biết, hiện, máy móc đã giúp người thợ làm bạc giải phóng được sức lao động. Tuy nhiên, đồ bạc muốn đẹp vẫn phải được chế tác bằng tay. Người thợ thủ công phải cực kỳ tỉ mỉ, khéo léo, bỏ nhiều công sức chạm, đục từng nét hoa văn trên sản phẩm, hay có những sợi dây chuyền, phải tỉ mỉ se từng sợi bạc nhỏ mới thành. Hiểu và yêu nghề như vậy, nên chỉ cần lướt qua một sản phẩm bạc, cụ Khuê có thể biết sản phẩm đó được làm ra như thế nào, bằng tay hay bằng máy, có sự dụng công của người thợ không, chất lượng tốt hay xấu. Ở tuổi ngoài 80 nhưng ngọn lửa đam mê nghề làm bạc dường như chưa bao giờ tắt trong người phụ nữ Hà Nội ấy.
Điều cụ Khuê mừng nhất là con trai và con dâu của cụ đã kế thừa và trở thành thế hệ thứ 5 trong gia đình theo nghề truyền thống. Cụ Khuê thường nói với các con: “Tổ tiên đã có nghề quý thì con cháu đời sau cố gắng giữ lấy nghề”.
Theo baophunuthudo

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *