Chưa được phân loại

Giữ sức sống cho văn hóa dân gian

Những năm gần đây, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: Hò cửa đình – múa hát bài bông ở thôn Phú Nhiêu (xã Quang Trung); hát trống quân ở thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến) hay nghề nặn tò […]

Những năm gần đây, huyện Phú Xuyên đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể như: Hò cửa đình – múa hát bài bông ở thôn Phú Nhiêu (xã Quang Trung); hát trống quân ở thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến) hay nghề nặn tò he thôn Xuân La (xã Phượng Dực)… Mặc dù huyện Phú Xuyên đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, nhưng những loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo này vẫn được duy trì, phát triển và khẳng định sức sống mạnh mẽ.

Hướng dẫn các thành viên nặn tò he tại Câu lạc bộ tò he thôn Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên).

Lưu truyền nét đẹp  văn hóa dân gian

Hát trống quân tại thôn Phúc Lâm (xã Phúc Tiến) là hình thức hát giao duyên, một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính cộng đồng làng xã. Để hình thức sinh hoạt dân gian độc đáo này không bị mai một trong cơn lốc đô thị hóa, thời gian qua, chính quyền và người dân địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, gìn giữ, lưu truyền.

Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ trống quân thôn Phúc Lâm Kiều Thị Mách, những năm 90 của thế kỷ trước, làng chỉ còn khoảng 5 người có thể biểu diễn và truyền dạy hát trống quân theo hồi ức. Không để điệu hát quê hương trở thành quá khứ, người làng bảo nhau, tự túc sắm phương tiện, trang phục, cùng nhau luyện tập, biểu diễn… Đặc biệt, nhờ sự trợ giúp của chính quyền địa phương, câu lạc bộ hát trống quân được thành lập. Hiện câu lạc bộ có 29 thành viên với nhiều lứa tuổi khác nhau, cao nhất là 90 tuổi, thấp nhất là 8 tuổi.

Bà Kiều Thị Chải, nghệ nhân hát trống quân năm nay đã 90 tuổi, chia sẻ: “Làng xã đã khác xưa nhiều, cứ ngỡ sẽ chìm trong không gian văn hóa hiện đại nhưng ngược lại tiếng trống quân vẫn được người dân yêu mến. Mỗi lần được biểu diễn trên sân khấu, làn điệu trống quân Phúc Lâm luôn được khán giả chào đón. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất đối với thế hệ nghệ nhân già như tôi”.

Trong câu chuyện về sức sống của những “chú” tò he, Chủ nhiệm Câu lạc bộ tò he thôn Xuân La (xã Phượng Dực) Đặng Văn Tẫn bộc bạch: “Mặc dù trẻ em ngày nay có nhiều trò chơi hiện đại để giải trí, nhưng con giống tò he vẫn có một sức hút riêng. Nhờ vậy, thành viên Câu lạc bộ tò he thôn Xuân La ngày một đông, đã lên tới 150 người. Cứ khi có điều kiện, các bậc cao niên, người nhiều kinh nghiệm lại tranh thủ thời gian truyền dạy, nâng cao tay nghề cho thế hệ trẻ”.

Từ việc tổ chức, duy trì hoạt động và quản lý theo hình thức câu lạc bộ, hàng nghìn người dân trên địa bàn huyện Phú Xuyên đã tham gia các mô hình trình diễn dân gian như hát Ca Trù (Chanh Thôn, xã Nam Tiến), hò cửa đình – múa bài bông (xã Quang Trung), hát trống quân (xã Phúc Tiến), nặn tò he (xã Phượng Dực), hát chèo (xã Tri Trung)… Người dân Phú Xuyên không chỉ gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn đào tạo được các thế hệ kế cận để gìn giữ, phát triển cho đời sau.

Lan tỏa tinh hoa trong đời sống đương đại

Trong “cơn lốc” đô thị hóa, nhiều loại hình văn hóa phi vật thể ở Phú Xuyên đã khẳng định được vị thế trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với các loại hình văn hóa nghệ thuật khác. Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, bà Kiều Thị Mách, Chủ nhiệm Câu lạc bộ trống quân Phúc Lâm đề nghị, các cấp chính quyền và cơ quan chức năng cần kiểm kê, lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương một cách khoa học và có hệ thống thông qua việc tư liệu hóa, vật thể hóa nhằm nhận diện giá trị và sức sống của từng loại di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng để đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả.

Còn Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Phú Xuyên Hoàng Minh Giang cho biết: Trong những năm qua, huyện Phú Xuyên đã chú trọng định hướng đào tạo; biên soạn giáo trình phù hợp với đặc trưng từng loại hình nghệ thuật, độ tuổi và đối tượng để phát huy thế mạnh của từng câu lạc bộ, giúp người học hiểu và thực hiện bài bản… Hiện nay, Phú Xuyên có 4 nghệ nhân nhân dân, 8 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; huyện đang hoàn thiện hồ sơ của 35 nghệ nhân để đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét công nhận nhằm động viên, khen thưởng kịp thời đối với cá nhân có đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Xuân Thanh khẳng định, sự tham gia tích cực của người dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát huy giá trị văn hóa phi vật thể; huyện Phú Xuyên cùng các xã, thị trấn cũng đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để bảo tồn một cách bền vững. Cùng với việc hỗ trợ hoạt động của các câu lạc bộ như tạo điều kiện để tham gia hội thi, hội diễn, huyện đặc biệt quan tâm đến đời sống của các nghệ nhân. Thời gian tới, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, huyện Phú Xuyên sẽ hỗ trợ 5 câu lạc bộ tiêu biểu với mức 50 triệu đồng/năm/câu lạc bộ để truyền dạy và duy trì hoạt động, góp phần lan tỏa những giá trị văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại ở mỗi làng quê.

Theo Báo Hànội mới

https://nhipsonghanoi.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/van-hoa/825730/giu-suc-song-cho-van-hoa-dan-gian

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *