Trong giai đoạn 2022-2027, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội phấn đấu 500.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; 150.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình…
Sau 4 năm triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938) của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2017-2021 và định hướng hoạt động giai đoạn 2022-2027, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu hoàn thành tốt các nội dung của đề án, có nhiều chỉ tiêu vượt cao so với kế hoạch đề ra.
Điển hình, các cấp Hội không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà tổ chức Hội không lên tiếng kịp thời; 579/579 xã, phường, thị trấn xây dựng được ít nhất 1 mô hình vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội. Đặc biệt, các cấp Hội đã phát hiện 72 trường hợp xâm hại phụ nữ và trẻ em; tư vấn trực tiếp 340 trường hợp về hôn nhân gia đình, đất đai, bạo lực gia đình… Hội Liên hiệp phụ nữ các quận, huyện, thị xã và cơ sở phối hợp tổ chức 317 buổi trợ giúp pháp lý cho 47.550 phụ nữ, trong đó tư vấn trực tiếp 2.458 trường hợp.
Các cấp Hội cũng duy trì hoạt động 122 câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, 110 “Nhóm phụ nữ nòng cốt tuyên truyền pháp luật”, 15 câu lạc bộ “Phòng, chống buôn bán phụ nữ trẻ em”, 258 câu lạc bộ “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, 10 câu lạc bộ “Phụ nữ lên tiếng uống có trách nhiệm thực hiện an toàn giao thông”, 879 chi hội phụ nữ thực hiện “Thay đổi hành vi trong an toàn vệ sinh thực phẩm”, 1.931 mô hình địa chỉ tin cậy tại cộng đồng…
Giai đoạn 2 của Đề án 938 (2022-2027), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố phấn đấu 500.000 hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ 80.000 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực về hành vi; 150.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực giới, bạo lực gia đình…
Cũng nhằm hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, mới đây, Hội liên hiệp phụ nữ huyện Quốc Oai đã thành lập Tổ tư vấn tham gia giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em. Tổ tư vấn có nhiệm vụ định hướng, đề xuất biện pháp, cách thức giải quyết từng vụ việc cụ thể; tham gia tư vấn, can thiệp hỗ trợ giải quyết các vụ việc bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em; Trực tiếp tư vấn về pháp luật, tâm lý, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em trên địa bàn huyện; tham gia, nghiên cứu hồ sơ vụ việc do hội LHPN các cấp, các cơ quan chuyển tới; đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
T. Hiệp (T/h)