Di sản – Bảo tồn

Hà Nội bảo tồn và phát huy di sản văn hóa bằng công nghệ số

Hà Nội hiện là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp. Công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản,, đang trở thành xu hướng tất yếu.

Trong xã hội hiện đại, việc ứng dụng công nghệ số vào đời sống có ý nghĩa vô cùng quan trọng, giúp mọi người không nhất thiết phải đến tận nơi những di sản văn hóa mà vẫn có thể tham quan di sản văn hóa. Đồng thời, công nghệ số cũng là một cách lưu trữ tư liệu rất tốt về các di sản văn hóa. Nó cho phép thu thập hình ảnh công trình, hiện vật trong không gian ba chiều với mọi chi tiết dù nhỏ nhất, với tỷ lệ chính xác tuyệt đối, giúp di sản được phục chế đúng theo kích thước, tỷ lệ, hình thức vốn có.

Ngày 29/11/2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 4227/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành văn hóa, thể thao và du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030. Đây là cơ sở để ngành Văn hóa và Thể thao Hà Nội áp dụng công nghệ số vào bảo tồn và phát huy giá trị các di tich, di sản trên địa bàn.

Hà Nội hiện là địa phương có số lượng di tích lớn nhất cả nước với 5.922 di tích, trong đó có 2.435 di tích được xếp hạng các cấp gồm: 01 di tích được xếp hạng Di sản thế giới, 17 di tích quốc gia đặc biệt, 1.165 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1.382 di tích xếp hạng cấp Thành phố. Việc ứng dụng công nghệ số trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tại Hà Nội vì vậy có vai trò và ý nghĩa rất lớn trong đời sống. Đưa di sản đến gần hơn với công chúng là đích hướng tới của các di sản của Hà Nội trong giai đoạn hiện nay. Sử dụng hình thức số hóa di sản có chi phí thấp hơn so với các phương pháp bảo tồn khác, đồng thời có độ tin cậy cao. Hình thức này cho phép tích hợp âm thanh nổi và hình ảnh 3 chiều sống động, lại được quảng bá nhanh thông qua mạng internet mà không bị giới hạn về thời gian, địa điểm, ngôn ngữ.

Tại Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng, công nghệ số ở lĩnh vực bảo tồn di sản là nhằm phục vụ lưu trữ, quảng bá trên internet, hỗ trợ công tác bảo tồn, trợ giúp hệ thống thuyết minh tự động, từ đó hệ thống dữ liệu di sản được kết nối, chia sẻ… Di sản đình Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) là công trình đầu tiên của Việt Nam được sử dụng công nghệ 3D scanning. Nhờ công nghệ này, giới nghiên cứu cũng như khách tham quan không chỉ được quan sát tổng thể di sản mà còn được tìm hiểu từng chi tiết nhỏ nhất, từ những nét chạm khắc, từng thớ gỗ, vết nứt, vết ố trên tường, cho đến những viên ngói xô lệch hay có thể “bóc tách” các chi tiết, đo đạc các cấu kiện… qua đó hiểu biết sâu sắc về đình Tiền Lệ nói riêng và kiến trúc cổ truyền Việt Nam nói chung.

Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Nhà hát Lớn và một số kiến trúc kiểu Pháp tại Hà Nội cũng được áp dụng công nghệ số cho phép người dùng có cái nhìn cận cảnh về các di sản, di tích này. Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã sử dụng ứng dụng công nghệ QR Code (mã vạch hai chiều) trên 40 hiện vật, cây xanh và các hạng mục công trình trong khuôn viên di tích. Khách tham quan chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, đặt trước bảng chỉ dẫn đã cài mã QR Code, hệ thống sẽ tự động đăng nhập và chuyển tới điện thoại của du khách thông tin cơ bản về hiện vật đó. Từ khi tạm ngừng đón khách do dịch COVID-19, di tích đã sản xuất các clip đưa lên fanpage trên mạng xã hội Facebook, kể câu chuyện lịch sử về các danh nhân gắn bó với trường Quốc Tử Giám xưa kia và các bài giới thiệu về Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám…

Nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng sử dụng công nghệ số để giới thiệu, quảng bá, phát huy giá trị các di sản trên địa bàn, như: Trang Đống Đa 3600, Hoàn Kiếm 3600… Tuy chưa ứng dụng công nghệ 3D, nhưng với công nghệ ảnh 3600 cũng đem lại những trải nghiệm thú vị cho du khách. Làng cổ Bát Tràng (huyện Gia Lâm) là làng nghề đầu tiên ứng dụng công nghệ VR3D giúp du khách tham quan làng nghề và hòa mình vào lễ hội làng với đầy đủ các phong tục, nghi lễ truyền thống thông qua trải nghiệm công nghệ thực tế ảo.…

Đình Tiền Lệ được phục dựng bằng công nghệ thực tế ảo 3D.

 

Thông tin hiện vật hiện trên màn hình điện thoại của du khách.

 (Ảnh: Linh Tâm, báo Hànộimới).

 Từ nhiều tháng qua, để phòng, chống dịch COVID-19, các di tích trên địa bàn Hà Nội đóng cửa, tạm dừng đón khách tham quan. Trước tình hình đó, các bảo tàng, di tích, các làng cổ đã áp dụng công nghệ số để thu hút khách. Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã chuyển sang tổ chức theo hình thức online với các triển lãm như: Triển lãm trực tuyến “Tết Đoan Ngọ xưa và nay – Gió lành Đoan Môn”; triển lãm “Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Vị tướng huyền thoại” tại trang trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn. Cách thức trưng bày triển lãm tạo được dấu ấn nhất định nhờ sự sáng tạo trong thiết kế, giới thiệu, hài hòa giữa hình ảnh và thông tin, lớp lang theo dòng lịch sử, đa dạng về tư liệu. Nhiều du khách đã truy cập vào trang trưng bày trực tuyến của Trung tâm để tìm hiểu các cuộc trưng bày, tìm hiểu về di sản Hoàng thành. Ngoài ra, Trung tâm còn giới thiệu các tour tham quan ảo 3600 giới thiệu về các triều đại gắn với Hoàng thành Thăng Long, các di tích lịch sử tiêu biểu tại đây và các sự kiện lớn của đất nước.

Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò lại ra mắt kênh phát thanh độc quyền HoaLoPrisonRelic trên nền tảng Spotify, nhằm đưa những câu chuyện lịch sử tiếp cận gần hơn đến công chúng, đặc biệt là các bạn trẻ yêu lịch sử. Kênh phát thanh này gồm các podcast được đội ngũ cán bộ, công nhân viên tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò thực hiện từ khâu sản xuất nội dung tới hậu kỳ sản phẩm. Có thể việc quảng bá hình ảnh di sản qua nền tảng công nghệ sẽ thúc đẩy khách tìm đến tham quan di sản nhiều hơn sau khi dịch bệnh đã được kiểm soát và di tích lại mở cửa đón khách trở lại. Bảo tàng Hà Nội đã thực hiện ứng dụng công nghệ tương tác ảo 3D trong giới thiệu trưng bày chuyên đề và trưng bày cố định. Bảo tàng đã bước đầu nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong việc triển khai hệ thống thuyết minh tự động (Audioguide); xây dựng một số hoạt động tương tác, trải nghiệm tại Phòng Khám phá; nghiên cứu, xây dựng và thực hiện Giờ học lịch sử online trong bối cảnh dịch COVID-19 (tính đến nay đã dạy 88 buổi với 1.370 học sinh tham gia)…

Có thể nói, công nghệ số đang thể hiện tính ưu việt và phát huy vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản, đang trở thành xu hướng tất yếu.

Quỳnh Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *