Sau hơn 60 ngày vắng bóng du khách, sáng thứ Năm (14/5/2020), nhiều di tích tại Hà Nội bắt đầu mở cửa đón khách trở lại như di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Nhà tù Hoả Lò…
Đảm bảo công tác phòng dịch trong việc mở cửa đón khách tham quan
Tại di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sau hai tháng đóng cửa thực hiện giãn cách xã hội, cách ly phòng dịch Covid-19, hôm nay (ngày 14/5/2020), di tích đã mở cửa trở lại. Trước đó, mọi công tác chuẩn bị đảm bảo điều kiện an toàn đón khách tham quan đã hoàn tất. Các khu vực của di tích đã được phun khử trùng, vệ sinh sạch sẽ, nước diệt khuẩn để rửa tay được đặt cạnh lối đi, trong nhà vệ sinh.
Để chào đón khách tham quan trong ngày đầu mở cửa trở lại, tại lối vào cổng chính Văn Miếu được treo cờ rực rỡ, trên nền gạch kẻ sẵn các ô sơn trắng cách nhau 1m để khách xếp hàng, đo thân nhiệt trước khi vào thăm di tích.
Những vị khách đầu tiên đến với di tích đến từ Thành phố Hồ Chí Minh cùng các bạn sinh viên của một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội, tạo nên một không khí mới sau thời gian dài di tích im lìm đóng cửa.
Cũng giống như Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò rực rỡ cờ hoa ngày mở cửa trở lại. Đặc biệt, hướng tới kỷ niệm 130 năm ngày sinh nhật Bác (19/5/1890 – 19/5/2020), ngay trong ngày đầu mở cửa trở lại, di tích Nhà tù Hoả Lò đã khai mạc trưng bày “Khát vọng tự do”. Trưng bày sẽ kể những câu chuyện xúc động về những chiến sĩ kiên trung, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc, quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân, dành lại độc lập, tự do cho dân tộc.
Ngay tại phòng bán vé, những thông tin cá nhân phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh đã được thực hiện đầy đủ, du khách cũng được hướng dẫn rửa tay sát khuẩn, đo thân nhiệt.
Chủ động tìm kiếm những hướng đi mới
Song song với các biện pháp phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho du khách và người lao động, các di tích trên địa bàn Hà Nội cũng đã chủ động tìm kiếm những hướng đi mới để thu hút khách thăm quan sau dịch bệnh. Chất lượng phục vụ du khách thăm quan di tích được chú trọng nâng cao, từ chất lượng dịch vụ, phong cách phục vụ cho đến các sản phẩm dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.
Trung tâm hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám tiếp tục phát triển những sản phẩm lưu niệm chuyên biệt gắn với những giá trị đặc trưng của khu di tích. Những họa tiết, hoa văn đặc trưng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám cùng với những hình ảnh gắn với truyền thống học tập và khoa bảng của Việt Nam, được sản xuất tại các làng nghề truyền thống, bằng những chất liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, vải, bèo… được thiết kế bằng những góc nhìn mới mang tính đương đại để tạo nên nét đặc trưng riêng. Mỗi sản phẩm lưu niệm đóng vai trò như một “đại sứ thương hiệu” của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Các hoạt động giáo dục di sản theo phương pháp mới tại di tích được đẩy mạnh, trong đó chú trọng tăng cường các hoạt động trải nghiệm, tương tác tạo sự thích thú cho học sinh khi tham gia. Điều này có thể giúp các em học sinh đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiểu hơn về di sản và nhận thức được các giá trị đa dạng của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phát triển được nhiều kỹ năng thông qua các hoạt động trải nghiệm chủ động, tích cực, sáng tạo. Các chủ đề giáo dục di sản trong đó có sự kết hợp các yếu tố dân gian với các phương tiện công nghệ hiện đại tiếp tục được xây dựng, phát huy hiệu quả hoạt động tại Khu trải nghiệm cùng di sản, đem đến nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú và hấp dẫn.
Các bài thuyết minh được xây dựng theo chủ đề đáp ứng yêu cầu đa dạng của khách tham quan. Các trưng bày triển lãm được nâng cao chất lượng, được thực hiện bằng những thủ pháp trưng bày khoa học, hiện đại góp phần nâng cao sức hấp dẫn của Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Còn tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách tham quan sẽ được trải nghiệm hệ thống thuyết minh tự động với 35 câu chuyện xúc động, hấp dẫn về những nhân vật, sự kiện, hiện vật tiêu biểu gắn liền với di tích. Ngoài ra, các đoàn khách tham quan có thể lựa chọn tham gia nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa, như: Dâng hương tại Đài tưởng niệm, giao lưu với nhân chứng lịch sử, thi tìm hiểu kiến thức về Nhà tù Hỏa Lò, sinh hoạt chi bộ, tổ chức lễ kết nạp đảng viên, đoàn viên, đội viên…
Ông Đặng Văn Biểu, Phó Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, cho biết, 500 khách tham quan đầu tiên kể từ ngày đầu mở cửa sẽ nhận được những phần quà lưu niệm ý nghĩa mang đặc trưng của di tích.
Thái Bình
Theo MaskOnline