Được sự chỉ đạo của Vụ Thư viện – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và trực tiếp là sự quan tâm của UBND thành phố Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội luôn quan tâm đầu tư kinh phí cho hoạt động, cải tạo và nâng cấp thư viện, mua sắm trang thiết bị tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động chuyên môn của Thư viện Hà Nội. Theo đó, Thư viện Hà Nội đã thay đổi phương thức làm việc nhằm tạo hiệu quả cho hoạt động chuyên môn và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.
Sáng 22/11, tại Hà Nội, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội nghị Sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Đào Xuân Dũng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội; Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội; Trần Tuấn Anh, Giám đốc Thư viện Hà Nội, đại diện các Phòng Quản lý Văn hoá, Tổ chức pháp chế… (Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội) cùng đại diện: Vụ Thư viện, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội; đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Văn hoá và Thông tin, Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao, cán bộ phụ trách thư viện các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô.
Nâng cao chất lượng và đáp ứng kịp thời nhu cầu của bạn đọc
Ngày 21/11/2019, Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua là dấu mốc quan trọng đối với ngành thư viện, mở ra một thời kỳ mới trong phát triển hoạt động thư viện và văn hóa đọc của đất nước. Luật Thư viện được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện. Luật đã có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước, về phát triển sự nghiệp bao gồm: chính sách đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời, Luật đã có những quy định chi tiết về thành lập và hoạt động thư viện. Nhờ có những quy định này các thư viện đã từng bước được nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh cho biết, ngay sau khi Luật Thư viện ban hành, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành luật.
Qua 5 năm thi hành, Luật Thư viện đã tạo chuyển biến tích cực về trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc triển khai kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả để phát triển các loại hình thư viện, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu và giải trí của các tầng lớp nhân dân. Thư viện Hà Nội đã từng bước nâng cấp đáp ứng đủ, kịp thời sách, báo, tạp chí và các loại tài liệu khác phù hợp theo nhu cầu bạn đọc.
Báo cáo Sơ kết 05 năm thi hành Luật Thư viện, Trưởng phòng Quản lý Văn hoá (Sở Văn hoá và Thể thao) Lê Thị Hồng Hạnh cho biết, Sở đã tham mưu ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ- HĐND ngày 04/7/2023 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội về việc thu phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân thành phố trên địa bàn thành phố Hà Nội, theo đó miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội để khuyến khích và phát triển văn hóa đọc của người dân Thủ đô.
Việc miễn phí sử dụng thư viện tại các thư viện công lập trên địa bàn Thành phố đã có tác động tích cực đối với người sử dụng thư viện, người dân đến đăng ký thẻ thư viện tăng nhanh; đồng thời tạo điều kiện khuyến khích độc giả yêu thích đọc sách giấy in, đến với thư viện nhiều hơn. Đây chính là nội dung rất có ý nghĩa xã hội, giá trị nhân văn của Luật Thư viện và hiệu quả từ việc triển khai Luật của UBND Thành phố Hà Nội trong thực hiện các chính sách của nhà nước, Thành phố về phát triển văn hóa đọc.
“Với mục tiêu, định hướng phát triển Thư viện Hà Nội trở thành thư viện trung tâm hiện đại, và các thư viện quận, huyện, thị xã là các thư viện vệ tinh bằng kinh phí nhà nước và các nguồn lực xã hội hoá, từ đó thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn Thành phố, khơi gợi nhu cầu đọc và phát triển văn hoá đọc trong người dân Thủ đô; góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tiến tới xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Nhiều chuyển biến tích cực trong triển khai thư viện ở các cấp
Tham luận tại Hội nghị, Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Tuấn Anh chia sẻ, với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, thư viện các cấp đã đạt được những thành tích nhất định trong việc lưu trữ, bảo tồn vốn tài liệu có giá trị; xây dựng phong trào đọc sách, duy trì và phát triển nhu cầu đọc sách trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Thủ đô. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí, phổ biến và áp dụng khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân, hướng tới sự phát triển xã hội, đất nước ngày càng văn minh, tốt đẹp hơn.
Việc triển khai Luật Thư viện và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đã tạo điều kiện thuận lợi để các chủ trương, chính sách, các chương trình phối hợp công tác thư viện về phát triển văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô do UBND Thành phố ban hành, chỉ đạo đạt hiệu quả cao.
“Luật Thư viện được ban hành đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện. Luật đã có những quy định cụ thể về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp bao gồm: chính sách đầu tư, hỗ trợ và đẩy mạnh xã hội hóa. Đồng thời, Luật đã có những quy định chi tiết về thành lập và hoạt động thư viện. Nhờ có những quy định này các thư viện đã từng bước được nâng cao năng lực để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, tích cực góp phần phát triển văn hóa đọc và tạo môi trường học tập suốt đời cho Nhân dân, xây dựng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện”.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thành phố Hà Nội có 29 thư viện cấp huyện; 53 thư viện cấp xã; 1096 thư viện, phòng đọc cơ sở; 15 thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng. Hằng năm, thư viện cấp huyện đều tham gia tổ chức các hoạt động phát triển văn hóa đọc do Thành phố tổ chức như: Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, các hoạt động đã thu hút đông đảo bạn đọc, các em học sinh tại các quận, huyện, thị xã tham gia. Tiêu biểu năm 2024, có 28/30 quận, huyện, thị xã tổ chức thu thút gần 500.00 lượt bạn đọc tham gia.
Ông Đỗ Phan Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hoá Thông tin và Thể thao huyện Phúc Thọ cho biết, thời gian qua, huyện rất quan tâm tới công tác xây dựng phát triển thư viện tại các trường học; tủ sách tại các thôn, tổ dân phố; chú trọng tới việc bồi dưỡng đội ngũ nhân viên thư viện… Đặc biệt, huyện triển khai xây dựng “Nhà văn hoá thông minh” tại thôn, tổ dân phố, trong đó có thư viện, phòng đọc. Theo Kế hoạch, huyện sẽ triển khai điểm tại các các xã nông thôn mới nâng cao và các xã đang tiếp tục hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu. Xây dựng những “Làng đọc sách” tại các xã trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, vẫn còn những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình triển khai thi hành và các điều kiện đảm bảo việc thi hành Luật. Đơn cử, tại Thư viện Hà Nội hiện không có xe ô tô chuyên dùng để thực hiện công tác phục vụ thư viện lưu động và luân chuyển sách; Thiếu các trang thiết bị hiện đại để xây dựng thư viện số, thư viện điện tử. Kinh phí cấp cho việc số hóa tài liệu hàng năm còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc xây dựng CSDL tài liệu số.
Tại thư viện cấp huyện, đa số các thư viện còn khó khăn về trụ sở, trang thiết bị ứng dụng công nghệ thông tin cho hoạt động chuyên môn. Một số thư viện cấp huyện nguồn kinh phí cấp thấp, không ổn định và không được cấp ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn. Tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện cấp huyện còn chậm và chưa hiệu quả. Nhiều cán bộ còn phải kiêm nhiệm các công việc khác nên đã có ảnh hưởng trong hoạt động của thư viện.
Đối với thư viện cấp xã, cơ bản chưa có sự quan tâm, đầu tư cho hoạt động thư viện. Nguồn nhân lực không ổn định và thiếu nghiệp vụ chuyên môn. Một số thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng còn hạn chế về chuyên môn nên tài liệu chưa được xử lý và tổ chức sắp xếp khoa học theo nghiệp vụ thư viện…
Thời gian tới, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội chủ trương tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông quảng bá về Luật Thư viện 2019 và các hoạt động thư viện trên địa bàn Thành phố nhằm thu hút sự quan tâm, tham gia của các cấp, các ngành, của các tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Tăng cường đầu tư kinh phí, nhân lực cho hoạt động phát triển văn hóa đọc của Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn, nhất là thư viện cấp huyện, cấp xã và tủ sách cơ sở. Khuyến khích phát triển các mô hình thư viện cộng đồng, tủ sách lưu động, và các không gian đọc đa dạng để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân./.
https://nguoihanoi.vn/ha-noi-chu-trong-day-manh-phat-trien-van-hoa-doc-tien-toi-xay-dung-nguoi-ha-noi-thanh-lich-van-minh-88245.html