Chưa được phân loại

Hà Nội đổi mới hình thức bảo tồn, phát huy giá trị các di sản

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô. Song ngành Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã duy trì, đảm bảo an toàn […]

Năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng đến mọi ngành, nghề; trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô.

Song ngành Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã duy trì, đảm bảo an toàn tại các đơn vị của ngành, các điểm di tích, di sản, đồng thời đổi mới tổ chức nhiều hình thức bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng đã nhấn mạnh như vậy tại Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam và buổi tọa đàm về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong lĩnh vực di sản văn hóa do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức ngày 23/11.

Chú thích ảnh
Lễ kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam do thành phố Hà Nội tổ chức.

Trong năm qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng ngành Văn hóa Hà Nội đã nghiên cứu đổi mới các hoạt động và sản phẩm văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích tiêu biểu như: Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long, Di tích Nhà tù Hỏa Lò, hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn… Các đơn vị cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các kênh thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội; tổ chức các chương trình, tọa đàm khi dịch bệnh cơ bản được khống chế. Nhiều hoạt động diễn ra như tọa đàm “Xây dựng các sản phẩm văn hóa phục vụ du lịch thời kỳ hậu COVID-19 tại các bảo tàng, di tích ở Hà Nội”; hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám trên nền tảng công nghệ 4.0”; chương trình “Tuần lễ Thiết kế Việt Nam”; trưng bày triển lãm thư pháp “Những trang sử đá vĩnh hằng”; công tác xếp hạng di tích, hồ sơ tu bổ di tích… vẫn được thực hiện đúng quy định và đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn – thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO.

“Ngành Văn hóa Thủ đô mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội; sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia cùng các nhà khoa học; sự phối hợp của các cấp, ngành, cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp”, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định.

Tại buổi toạ đàm, các đại biểu nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong đời sống kinh tế – xã hội được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa nhấn mạnh: Chúng ta vẫn nói hội nhập nhưng không hòa tan, điều quan trọng làm như nào để không hòa tan. Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Lâm Biền, trước hết phải nhận thức đúng chủ thể và di sản chính là một trong những yếu tố để khẳng định điều ấy. Việc quan tâm bảo tồn di sản chính là cái gốc trong xây dựng, phát triển văn hóa.

Chú thích ảnh
Tọa đàm về phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong lĩnh vực di sản văn hóa tại Lễ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa, để văn hóa đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, chỉ có con đường phát triển công nghiệp văn hóa. Với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hóa từ vốn di sản, bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Để làm được điều này, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị, đưa di sản vào học đường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản.

Là một trong số ít các Thủ đô, thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, tỏa sáng hình ảnh đất nước. Hà Nội cũng là “trái tim của cả nước”, nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa, yêu chuộng hòa bình của con người Việt Nam.

Theo Tin, ảnh: Đinh Thuận (TTXVN)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *