Chưa được phân loại

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023, đồng chí Nguyễn Văn Phong – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã dành cho báo Lao động Thủ đô cuộc phỏng vấn về phát triển văn hóa, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô, trên hành trình đi tới tương lai.

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong việc kế thừa và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước. 

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử
Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong quán triệt Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tại hội nghị trực tuyến toàn Thành phố
Phóng viên: Thưa đồng chí Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, mọi người vẫn nói, Hà Nội vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử, cả xưa và nay. Đồng chí có cảm nhận như thế nào về điều này?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong:

Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, có “thế rồng cuộn hổ ngồi”, với hướng “nhìn sông dựa núi”, từ kinh đô Cổ Loa của nhà nước Âu Lạc (cách đây hơn 2.000 năm), đến kinh đô Thăng Long của nhà nước Đại Việt (khoảng 1.000 năm trước), và ngày nay là Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, với biết bao chiến công vang dội, Thăng Long – Hà Nội luôn là trung tâm văn hóa của đất nước; nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, nơi kết nối những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ và tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên. Đặc biệt, năm 2020, Thủ đô Hà Nội tròn 1010 tuổi, được thế giới biết đến là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc gia và quốc tế quan trọng…

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Quốc gia nào cũng có Thủ đô. Nhưng Hà Nội của chúng ta là một Thủ đô thật đặc biệt. Bởi Hà Nội vô cùng giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử, cả xưa và nay. Chúng ta thực sự tự hào với kho tàng di sản văn hóa phong phú, đa dạng của Hà Nội gồm 5.922 di tích, một Di sản văn hóa thế giới; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có 3 di sản được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, một Di sản Tư liệu thế giới; 1.350 làng nghề, làng có nghề; có đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân lớn nhất cả nước, tháng 12/2022 Hà Nội tiếp tục có 11 “Nghệ nhân Nhân dân” và 55 “Nghệ nhân ưu tú” được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước…

Với bề dày truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, vì hòa bình, hữu nghị và sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội luôn nhận thức sâu sắc trọng trách của mình trong việc kế thừa và phát huy sức mạnh văn hóa dân tộc trong tiến trình hội nhập, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

 

Phóng viên: Phải chăng vì vậy mà Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong:

Đảng ta đã xác định phát triển văn hóa là nhiệm vụ trung tâm, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Đối với Hà Nội, Thủ đô ngàn năm văn hiến, “Thành phố Anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo” thì yếu tố văn hóa càng đóng vai trò quan trọng. Chính vì thế, Hà Nội có thể không phải thành phố dẫn đầu về kinh tế nhưng phải là thành phố đi đầu, dẫn đầu về văn hóa, là nơi hội tụ và tỏa sáng, đại diện tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam; và phải luôn xác định văn hóa là nguồn lực nội sinh quan trọng để xây dựng Thủ đô phát triển bền vững.

Thực tế, trong suốt hành trình xây dựng và phát triển, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã liên tục có sự đổi mới về tư duy, nâng cao nhận thức, đặc biệt quan tâm tới việc cụ thể hóa thông qua việc vận dụng sáng tạo quan điểm chỉ đạo của Trung ương về phát triển văn hóa, xây dựng con người. Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 – 2025 tiếp tục khẳng định nhận thức toàn diện hơn về phát triển văn hóa, xây dựng con người Hà Nội.

Nghị quyết của Đại hội nêu rõ nhiệm vụ trọng tâm: “Chú trọng phát triển văn hóa Hà Nội trên cơ sở phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình”, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật; giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển; coi đây là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô bền vững”; và xác định một trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ là: “Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô”. Hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển Thủ đô đến năm 2045, Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội cũng nêu rõ: “Hà Nội sẽ trở thành thành phố có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội, phát triển toàn diện, bền vững, là thành phố kết nối toàn cầu. Xây dựng thành phố sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa cũng là nhằm hướng tới mục tiêu ấy.

Muốn làm tốt, làm tròn được những yêu cầu, đòi hỏi ấy, thành phố Hà Nội cần phải có chủ trương, mục tiêu, kế hoạch, chương trình hành động cụ thể, rõ ràng… Phải có sự đầu tư tương xứng các nguồn lực để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hà Nội trong thời kỳ mới, trong đó có lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Thành ủy Hà Nội đã chuẩn bị, thu thập tài liệu, nghiên cứu rất kỹ lưỡng, khoa học với 2 hội thảo khoa học và 4 cuộc tọa đàm, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, chuyên gia về lĩnh vực công nghiệp văn hóa cả trong nước và quốc tế.

Trên cơ sở đó, ngày 22/2/2022, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã ký ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa, con người Hà Nội theo hướng bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế cũng như xu thế phát triển chung của thế giới – tất cả hướng đến con người, vì con người, lấy văn hóa, sáng tạo làm nền tảng và động lực, con người làm trung tâm trong chính sách phát triển bền vững.

Thành phố Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước ban hành một Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô trong giai đoạn tới.

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong tặng quà lưu niệm cho Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart.
Phóng viên: Đồng chí có thể chia sẻ khái quát những nội dung cốt yếu nhất trong Nghị quyết này?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong:

Nghị quyết số 09-NQ/TU đặt ra mục tiêu là tạo bước phát triển toàn diện ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, bảo đảm phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Cùng với đó là dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, thụ hưởng của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu.

Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; hoàn thành rà soát, tích hợp quy hoạch phát triển công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cải thiện hạ tầng tương đối đồng bộ, hiện đại, ưu tiên bố trí quỹ đất theo quy hoạch phân khu 2 bên bờ sông Hồng để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Mục tiêu đến năm 2030, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tín, khả năng cạnh tranh cao với các thành phố trong khu vực; là “Thành phố Sáng tạo” có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Mục tiêu đến năm 2045, ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển toàn diện, là động lực phát triển các ngành, lĩnh vực khác, là tiền đề để xây dựng Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; trở thành “Thành phố Sáng tạo” của khu vực châu Á, thành phố kết nối toàn cầu, trung tâm văn hóa, du lịch lớn đặc sắc, có sức cạnh tranh quốc tế. Hình thành một số công trình văn hóa mới cho Thủ đô và Việt Nam, mang tính biểu tượng văn hóa có tầm cỡ khu vực và thế giới; phấn đấu đóng góp khoảng 10% GRDP của Thành phố.

Để đạt được mục tiêu trên, Hà Nội xác định đổi mới tư duy, nhận thức về phát triển công nghiệp văn hóa đảm bảo thích ứng với yêu cầu phát triển chung của cả nước, xu thế hội nhập quốc tế trong thời kỳ mới. Công nghiệp văn hóa là ngành kinh tế mới, đòi hỏi phải có bước đi phù hợp, với cơ chế, chính sách đặc thù mang tính đột phá, khơi thông mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố.

Phóng viên: Đâu sẽ là nội dung đột phá để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, thưa đồng chí?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong:

Phải xác định phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, Đảng định hướng, chính quyền xây dựng cơ chế chính sách, tạo dựng môi trường thuận lợi, còn chủ thể của phát triển văn hóa là nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nghiệp, doanh nhân, nhân dân. Phát triển công nghiệp văn hóa không phải làm trong ngày một ngày hai mà phải đặt trong tầm nhìn chiến lược, vừa trước mắt vừa lâu dài, thường xuyên, liên tục và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện trong quá trình phát triển.

Muốn phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội xác định đảm bảo kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho ngành công nghiệp văn hóa, tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Có thể chế phù hợp, cơ chế chính sách huy động đầu tư, khai thác tối đa các nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó đặc biệt quan trọng là nguồn lực con người.

Cùng với đó, Hà Nội cần có nhận thức rõ hơn trong việc nhận diện các yếu tố nguồn lực làm động lực cho phát triển, trong đó cần tận dụng và phát huy được nguồn lực từ các cơ quan, đơn vị Trung ương và quốc tế đóng chân trên địa bàn, ví như từ các nguồn lực chuyên gia đến các thiết chế văn hóa lớn trong phát triển công nghiệp nghệ thuật biểu diễn, để làm sao có các chương trình nghệ thuật lớn, dần dần nuôi dưỡng, phát triển để có thương hiệu trong nước, khu vực và quốc tế. Có kế hoạch, lộ trình trong giai đoạn 3 – 5 năm, tiến tới tổ chức các sự kiện tầm cỡ như vậy thường niên. Nếu không có sự kiện tầm cỡ thì không thể có công nghiệp văn hoá.

Trong Nghị quyết cũng nêu Hà Nội cần có thêm những trung tâm triển lãm mới, nhà hát mới, sân vận động mới để trong tương lai, Hà Nội không chỉ đăng cai SEA Games, mà phải hướng tới đăng cai ASIAD hoặc giải thể thao, văn hóa mang tầm vóc quốc tế. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có đột phá về chính sách. Bởi hiện nay các thiết chế văn hóa, thể thao, khu vực công cộng của Hà Nội đang rất thiếu. Thực tế, Hà Nội là thành phố 10 triệu dân, nhưng không có một quảng trường công viên có sức chứa khoảng 50 nghìn người để có thể tổ chức được sự kiện lớn. Sân vận động Hàng Đẫy chứa được khoảng mấy nghìn người. Sân Mỹ Đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý. Thành phố đã có chủ trương đẩy mạnh hợp tác công tư trong khai thác sử dụng các thiết chế văn hóa. Đặc biệt là mô hình tài sản công nhưng quản trị tư. Kinh nghiệm triển khai mô hình này ở một số nước rất hiệu quả. Tài sản thiết chế văn hóa là của Nhà nước, nhưng cho đấu thầu khai thác quản lý, sử dụng trong 5 – 10 năm nhằm phát huy giá trị…

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Quá trình phát triển công nghiệp văn hóa phải đi đôi với việc phát triển thị trường dịch vụ văn hóa và đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, chuyên nghiệp, hiện đại, đảm bảo tính đồng bộ, liên kết chặt chẽ giữa các khâu của quá trình phát triển công nghiệp văn hóa từ khâu sáng tạo, sản xuất, phổ biến, tiêu dùng. Sau đó phải xâu chuỗi lại, liên kết thực sự bền vững và tự nguyện. Trong đó, yếu tố sáng tạo đặt lên hàng đầu. Hà Nội cần cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho sáng tạo, phát triển, đặc biệt quan tâm đến bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Phải đổi mới tư duy để văn hóa gắn liền với sáng tạo. Đã là sáng tạo bao giờ cũng có yếu tố mới trong đó, mang đậm tâm hồn, tư tưởng, phong cách của nghệ nhân, nghệ sĩ. Rất cần có thái độ, cái nhìn khoan dung, độ lượng, đa chiều, đặc biệt tránh câu chuyện chủ quan, áp đặt, duy ý chí. Nếu không sẽ làm thui chột khả năng, năng lực sáng tạo của nghệ sĩ. Không có sáng tạo thì không có công nghiệp văn hóa, nhất là khi hội nhập quốc tế chúng ta có thể tiếp cận với nhiều cái mới của thế giới, cần cách nhìn khách quan, công tâm. Điều này rất quan trọng.

Bên cạnh đó, cần tính toán hình thành các quỹ đầu tư, hỗ trợ, quỹ giải thưởng văn hóa để duy trì, phát triển, hỗ trợ các nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ có tác phẩm, ý tưởng mới. Thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài, ưu đãi, vinh danh đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, nghệ nhân, nhà khoa học, chuyên gia trong và ngoài nước để có nhiều đóng góp cho Hà Nội; đồng thời tổ chức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa, chủ động kết nối cung cầu, liên kết hợp tác giữa Hà Nội với các cơ sở đào tạo chuyên ngành, doanh nghiệp uy tín trong và ngoài nước… Cùng với đó, phải đặc biệt lưu ý đến yếu tố bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, bản quyền các sản phẩm công nghiệp văn hoá. Nếu không làm tốt vấn đề này thì không thể phát triển công nghiệp văn hoá.

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử
Phóng viên: Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023, đồng chí có nhắn nhủ gì tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô?

Đồng chí Nguyễn Văn Phong:

Để Nghị quyết số 09-NQ/TU đi vào cuộc sống, đạt được các mục tiêu đề ra, bên cạnh sự nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị Thủ đô cũng đòi hỏi sự quyết tâm, đồng lòng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô; đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Hà Nội – lực lượng chính sản xuất tạo ra của cải, vật chất cho xã hội.

Với truyền thống đoàn kết, thống nhất, gương mẫu, trách nhiệm, bản lĩnh và sáng tạo, quyết tâm khắc phục khó khăn, thách thức và tình yêu với Hà Nội, tôi tin tưởng, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Thủ đô sẽ triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU bài bản, khoa học, đem lại hiệu quả cao, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội.

Nhân dịp Xuân mới Quý Mão 2023, tôi chúc các đồng chí an khang, thịnh vượng và thành công!

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

 

Hà Nội giàu có và phong phú về các giá trị văn hóa, lịch sử

Nội dung: HOÀNG PHÚC
Đồ họa: ĐỨC HÀ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *