Văn hóa

Hà Nội huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa Thủ đô

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, nơi lắng đọng chiều sâu văn hóa nghìn năm lịch sử. Xác định đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững Thủ đô, trong những năm qua, việc huy động và sử dụng các nguồn lực để phát văn hóa đã đạt được một số kết quả nổi bật.

Cùng với chủ trương chung của Đảng và Thành phố, lĩnh vực văn hóa, thể thao từng bước được tăng cường thực hiện vốn đầu tư từ nguồn ngân sách và xã hội hóa. Nguồn kinh phí ngân sách cấp cho lĩnh vực văn hóa, thể thao hằng năm khoảng 1.000 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, sửa chữa, chống xuống cấp các thiết chế văn hóa, thể thao và thực hiện hoạt động phát triển văn hóa, thể thao.

Từ năm 2016, Thành phố đầu tư xây dựng 36 công trình với tổng kinh phí khoảng 1.350 tỷ đồng. Trong đó có 27 công trình thể thao được cải tạo, sửa chữa nâng cấp (9 công trình phục vụ Đại hội TDTT năm 2018 với tổng mức đầu tư 49 tỷ đồng; 8 công trình phục vụ Sea Games 31, Para Games 11 năm 2021 với tổng mức đầu tư 380 tỷ đồng và 10 dự án phụ trợ thể thao với tổng mức đầu tư 875 tỷ đồng); 6 công trình văn hóa (Rạp Công nhân, rạp Chuông Vàng, rạp Nguyễn Đình Chiểu, rạp 31-33 Lương Văn Can, sửa chữa Trung tâm Văn hóa Thành phố, sửa chữa Thư viện Hà Nội 47 Bà Triệu); 2 công trình trụ sở làm việc (sửa chữa trụ sở 47 Hàng Dầu, trụ sở 126 Trần Phú).

Người dân sinh hoạt văn hóa trong khuôn viên Nhà văn hóa thôn 3, xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì

Bên cạnh nguồn kinh phí chi thường xuyên và đầu tư công hằng năm, Thành phố đã có cơ chế hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn, làng và các di tích trên địa bàn Thành phố.

Đối với nhà văn hóa thôn, làng, Thành phố chú trọng xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở thông qua việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, quy chế và nội dung hoạt động. Mức hỗ trợ đầu tư cho các nhà văn hóa thôn, làng là 2,5 tỷ đồng/nhà văn hóa, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động và từng bước hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Tính riêng 2 năm (2020 và 2021), Thành phố đã hỗ trợ 317,5 tỷ đồng cho 127 nhà văn hóa thôn, làng. Đồng thời, Thành phố có cơ chế các quận hỗ trợ cho các huyện để xây dựng 19 nhà văn hóa thôn, làng với kinh phí 74,9 tỷ đồng.

Đối với việc hỗ trợ đầu tư cho các di tích, Thành phố thường xuyên quan tâm đến việc hỗ trợ đầu tư tu sửa cấp thiết, chống xuống cấp cho các di tích do cấp huyện quản lý. Năm 2016 hỗ trợ 44 di tích, kinh phí 84 tỷ đồng; năm 2018 hỗ trợ 50 di tích, kinh phí 40,85 tỷ đồng; năm 2021-2022 hỗ trợ 122 di tích, kinh phí 139 tỷ đồng.

Đặc biệt, HĐND thành phố Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 với tổng số 1.469 dự án đối với lĩnh vực văn hóa, giáo dục và y tế, trong đó 1.310 dự án đầu tư giai đoạn 2021-2025 (227 dự án Thành phố đầu tư, 1.083 dự án Thành phố hỗ trợ đầu tư) và 159 dự án đầu tư giai đoạn sau năm 2025.

Nhà Tổ, nhà Mẫu (chùa Bảo Sơn, thôn lại Thượng, xã Lại Thượng, huyện Thạch Thất) được tu bổ, tôn tạo từ nguồn kinh phí xã hội hóa

Cùng với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Thành phố, công tác xã hội hóa tu bổ, tôn tạo di tích được đẩy mạnh nhằm phát huy sức mạnh cộng đồng, nâng cao ý thức bảo vệ di tích, chủ yếu tập trung vào các di tích có yếu tố tâm linh, di tích chưa được xếp hạng hoặc đầu tư vào các hạng mục phụ trợ. Ngoài ra, việc xã hội hóa trong công tác tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ đã được phát huy mang lại nhiều chuyển biến tích cực cho việc phát triển văn hóa Thủ đô.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực văn hóa, thể thao chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng của Thủ đô. Nguồn kinh phí đầu tư cho việc tu bổ, tôn tạo di tích còn thấp. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa còn thiếu hiệu quả. Thành phố thiếu thiết chế mang tính biểu trưng, tương xứng với vị thế của Thủ đô…

Với mong muốn giá trị văn hóa truyền thống trở thành nguồn lực nội sinh trong đời sống hiện đại, tạo thành bản sắc trong dòng chảy văn hóa, Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư cho văn hóa từ nguồn ngân sách, đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư và điều chỉnh cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện thu hút nguồn vốn xã hội hóa của các tổ chức, cá nhân cho phát triển cơ sở văn hóa và tham gia vào các hoạt động văn hóa nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa. Xây dựng thiết chế văn hóa tiêu biểu của Thủ đô có quy mô xứng tầm là trung tâm phát triển văn hóa của cả nước và trong khu vực, như, đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa, thể thao có quy mô, giá trị gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa và yêu cầu hội nhập quốc tế./.

Ngọc Trâm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *