Di sản

Hà Nội kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam

Lễ kỷ niệm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 và Khai mạc triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội” đã được Sở VHTT Hà Nội tổ chức sáng ngày 22/11/2016 tại Bảo tàng Hà Nội.

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động phát biểu tại Lễ kỷ niệm
Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Tham dự buổi lễ có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên cùng nhiều đại diện cho các Ban, Ngành, Bộ và Sở VHTTDL Hà Nội.

Trao chứng nhận Di tích quốc gia cho đại diện của 3 di tích của Hà Nội
Thứ trưởng  Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên trao Chứng nhận Di tích quốc gia cho đại diện 3 di tích của  Hà Nội vừa được công nhận

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động đã có bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 65 năm Ngày Di sản Việt Nam 23/11. Trong đó ông nhấn mạnh: Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc giữ gìn di sản văn hóa. Vì vậy mà chỉ hơn 3 tháng sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (2/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 65/SL ngày 23/11/1945 ấn định nhiệm nhiệm vụ cho Đông phương Bác cổ học nhiệm vụ bảo tồn tất cả các cổ tích trong toàn cõi Việt Nam. Cho đến nay, những tư tưởng, quan điểm rất cơ bản của Sắc lệnh số 65/SL vẫn giữ nguyên được ý nghĩa lý luận và thực tiễn. Trước yêu cầu, nhiệm vụ của đất nước trong thời kỳ đổi mới, ngày 24/02/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 36/2005/QĐ-TTg về việc hàng năm lấy ngày 23/11 là ngày Di sản Việt Nam.

Cắt băng khai mạc Triển lãm "Linh vật Việt"
Cắt băng khai mạc Triển lãm “Linh vật Việt”

Với Thủ đô Hà Nội, vị trí trung tâm của cả nước, đây là nơi lưu giữ khối lượng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể lớn nhất cả nước. Trong nhiều năm qua, Hà Nội đã và đang làm tốt công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô. Tính đến năm 2016, Thành phố Hà Nội có 5922 di tích được kiểm kê, trong đó có 11 di tích quốc gia đặc biệt, 1182 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 1202 di tích xếp hạng cấp thành phố. Đặc biệt là việc triển khai thực hiện Đề án Tổng kiểm kê, bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã thu được những kết quả tốt. Cùng với đó, Hà Nội đã lập Danh mục và Bản đồ phân bố cho 1793 di sản, trong đó 4 di sản được UNESCO vinh danh gồm: Ca trù, Hội Gióng, Nghi lễ và trò chơi kéo co, Di sản tư liệu ký ức thế giới Văn bia Tiến sĩ triều Lê – Mạc tại Văn miếu Quốc Tử Giám, 12 di sản được ghi vào danh mục quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm
Các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm

Tại buổi lễ kỷ niệm, Bộ VHTTDL đã công bố quyết định và trao Chứng nhận Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia cho 3 di sản của Hà Nội gồm: Hát và múa Ải Lao của thôn Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên; Lễ hội đình Lưu Xá, thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính, huyện Chương Mỹ và Nghề thêu truyền thống thôn Đông Cứu, xã Dũng Tiến, huyện Thường Tín. Như vậy tính đến đến tháng 11/2016, Hà Nội có tổng số 12 di tích phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia.

Các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm
Các đồng chí lãnh đạo tham quan triển lãm

Cũng trong sáng 22/11, Triển lãm chuyên đề Linh vật Việt và Di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội đã được khai mạc tại Bảo tàng Hà Nội. Đây là hoạt động do Bảo tàng Hà Nội, Phòng Quản lý Di sản – Sở VHTT Hà Nội và Group Đình làng Việt phối hợp tổ chức.

Biểu diễn chầu văn "Cô đôi thượng ngàn" tại Lễ kỷ niệm
Biểu diễn chầu văn “Cô đôi thượng ngàn” tại Lễ kỷ niệm

Triển lãm đã trưng bày hơn 200 hình ảnh linh vật được sưu tầm tại các di tích kết hợp với hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật do các nghệ nhân, các nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Các linh vật được lựa chọn để trưng bày gồm: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc… Đây là những linh vật thường thấy tại các đền, chùa, miếu mạo… ở Việt Nam từ xa xưa, vừa để trang trí, đồng thời cũng là biểu tượng của đời sống tâm linh, văn hóa của con người Việt.

Biểu diễn Múa Bài bông tại Lễ kỷ niệm
Biểu diễn “Múa Bài bông” tại Lễ kỷ niệm

Ngoài việc giới thiệu các linh vật, Triển lãm còn giới thiệu tới người xem nhiều tư liệu, hình ảnh về 06 loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê cùng các sản phẩm như: Danh mục, bản đồ, sách truyền thông, phiếu kiểm kê… Đây là kết quả của Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ văn hóa phi vật thể Hà Nội giai đoạn 2014-2016 đã được Sở VHTT Hà Nội triển khai thực hiện một cách hiệu quả thời gian qua.

Lan MASK

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *