Tin ngành

Hà Nội kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam lần thứ XVII

Sáng 23/11, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức lễ kỷ niệm và tọa đàm Nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/2005-23/11/2021) để lắng nghe những ý kiến góp ý, giúp đỡ của các nhà khoa học, các bạn đồng nghiệp đối với quá trình phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô trong lĩnh vực Di sản văn hóa mà Thành phố đang chủ trương thực hiện. Lễ kỷ niệm được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 2 điểm cầu chính là Bảo tàng Hà Nội và di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được kết nối với 30 điểm cầu tại các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố.

Tới dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, những người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng tặng hoa chúc mừng Ngành Văn hóa nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Các tiết mục hát Ca trù, hát Văn tại Lễ kỷ niệm.

Phát biểu diễn văn tại lễ kỷ niệm, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng cho biết, là một trong số ít các Thủ đô, Thành phố trên thế giới có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, trải qua hơn một ngàn năm với biết bao biến đổi, thăng trầm, Thăng Long – Hà Nội trở thành mảnh đất “địa linh nhân kiệt”, hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa, sức mạnh dân tộc, tỏa sáng hình ảnh đất nước một cách tập trung nhất, tiêu biểu nhất, là “trái tim của cả nước” – nơi kết tinh và lan tỏa bản sắc văn hoá dân tộc, truyền thống văn hiến, lòng nhân nghĩa và yêu chuộng hoà bình của con người Việt Nam.

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ, năm 2021 là năm đặc biệt khó khăn chưa có tiền lệ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 gây ra. Mọi ngành, mọi nghề, trong đó có công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Thủ đô đều bị ảnh hưởng nặng nề. Song ngành Di sản Văn hóa Thủ đô với những nỗ lực mạnh mẽ đã đảm bảo sự an toàn tại các cơ quan, công sở của ngành, các điểm di tích, di sản, đổi mới tổ chức nhiều hình thức để bảo tồn, phát huy giá trị các di sản. Ngành cũng đã tham mưu để Thành ủy, UBND Thành phố sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô với những điều, khoản cụ thể trong lĩnh vực văn hóa. Tham mưu để UBND Thành phố ban hành Kế hoạch 176 thực hiện Chương trình công tác số 06 về Phát triển văn hóa xã hội, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, trong đó đặc biệt chú trọng đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; Nghiên cứu đổi mới các hoạt động và sản phẩm văn hóa, dịch vụ phục vụ khách tham quan tại các điểm di tích… Để đạt được những kết quả đó, có phần không nhỏ của các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý, cán bộ nghiệp vụ và rất nhiều các tổ chức, cá nhân yêu di sản…

Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.

Hơn 20 năm qua, Hà Nội đã gìn giữ, phát huy các giá trị của danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, tạo nên sức hấp dẫn riêng có của Thủ đô. Hình ảnh Hà Nội là một điểm đến “an toàn – thân thiện”, ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Bằng chủ trương phát triển Hà Nội ngày một năng động, sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hoá ngàn năm văn hiến, Hà Nội chủ trương xây dựng Nghị quyết về phát triển Công nghiệp văn hóa với những mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững, trước mắt là thực hiện các cam kết, xây dựng và phát triển Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
“Ngành văn hóa Thủ đô mong mỏi tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố; sự phối hợp giúp đỡ của Hội đồng di sản văn hóa quốc gia cùng các nhà khoa học; sự phối hợp của các cấp, các ngành, cùng các tầng lớp nhân dân để sự nghiệp quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Thủ đô ngày càng đạt được kết quả tốt đẹp”, ông Đỗ Đình Hồng khẳng định.
Trong khuôn khổ chương trình, đã diễn ra toạ đàm với nhiều ý kiến có giá trị của các nhà khoa học, chuyên gia. Theo đó, các đại biểu nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc toạ đàm diễn ra trong bối cảnh Hội nghị Văn hoá toàn quốc được tổ chức, vai trò của văn hoá trong đời sống kinh tế – xã hội được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm.
Theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, hiện nay, để văn hoá đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, thì chỉ có con đường phát triển công nghiệp văn hoá. Với kho tàng di sản phong phú của mình, Hà Nội cần tập trung phát triển công nghiệp văn hoá từ vốn di sản, bao gồm cả văn hoá vật thể và phi vật thể. Để làm được điều này, Thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức; chú trọng nhân tố con người trong bảo tồn, phát huy giá trị, đưa di sản vào học đường; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản.

Các khách mời trao đổi tại buổi Tọa đàm.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế – xã hội đất nước 10 năm mà Nghị quyết Đai hội đã xác định. Ngày mai, 24/11 sẽ diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia tin tưởng rằng, sau Hội nghị này, chúng ta sẽ có thêm những nhận thức, quyết tâm và những hành động cụ thể để phát triển văn hóa, trong đó có lĩnh vực di sản văn hóa. Đại hội lần thứ 13 có khá nhiều những quan điểm, kế hoạch hành động để có những bước đột phá trong lĩnh vực văn hóa, trong đó nhấn mạnh Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội với mong muốn sử dụng sức mạnh mềm của văn hóa để tạo ra khát vọng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh và hạnh phúc. “Đây là một tư tưởng vô cùng quan trọng khi mà trong bối cảnh hiện nay, chúng ta đã nhìn nhận rõ hơn vai trò, vị trí, giá trị và ý nghĩa của văn hóa. Chúng ta biết được rằng chỉ có văn hóa mới giúp cho chúng ta phát triển bền vững, chỉ có văn hóa mới giúp cho chúng ta ‘Hội nhập mà không Hòa tan’. Và giá trị của văn hóa không chỉ có ý nghĩa về tinh thần, không chỉ tạo ra hệ điều tiết cho sự phát triển xã hội…; Văn hóa còn có những giá trị về lợi ích kinh tế khi mà chúng ta khai thác những giá trị văn hóa của dân tộc; khai thác những giá trị truyền thống thông qua các di tích, biểu tượng, các di sản văn hóa phi vật thể… chúng ta sẽ tạo ra những sản phẩm khác biệt, từ đó tạo ra những lợi thế cho sự phát triển đất nước” – PGS. TS Bùi Hoài Sơn khẳng định.
Tại tọa đàm, các các chuyên gia, nhà khoa học, những người công tác trong lĩnh vực di sản văn hóa cũng đưa ra nhiều ý kiến nhằm đóng góp vào sự giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, những đánh giá về nguồn lực di sản văn hóa đối với quá trình phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Vy Vy

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *