Di sản – Bảo tồn

Hà Nội: Nêu cao vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

Sáng 27/9, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức tọa đàm “Vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố Hà Nội” nhằm xác định rõ vai trò, trách nhiệm, cũng như đẩy mạnh vai trò tích cực của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội, hướng đến xác định hệ giá trị văn hóa Thủ đô.

Toàn cảnh buổi Tọa đàm
Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Báo cáo tóm tắt đánh giá thực trạng Nghệ nhân, Câu lạc bộ trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể TP Hà Nội, Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết, với số lượng 1.793 di sản được kiểm kê, có thể nói Hà Nội là đơn vị có lượng di sản văn hóa phi vật thể nhiều nhất cả nước. Có hàng ngàn nghệ nhân, rất nhiều câu lạc bộ thuộc các loại hình di sản nêu trên đã và đang tích cực bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị các di sản. Qua 3 đợt phong tặng, đến nay, Hà Nội có 131 nghệ nhân với 18 NNND và 113 NNƯT thuộc các loại hình: Nghệ thuật trình diễn dân gian, Tập quán xã hội và tín ngưỡng, Tri thức dân gian.

Trưởng phòng Quản lý Di sản Văn hóa (Sở VHTT Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh báo cáo tại Tọa đàm.

Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn Thành phố có các câu lạc bộ (CLB) hoạt động trong lĩnh vực Di sản văn hoạt phi vật thể dưới hình thức tự nguyện. Số các CLB có Quyết định thành lập còn ít. Trên thực tế, các CLB chỉ thuần túy nhóm họp lại với nhau, gọi một cái tên, cùng duy trì sinh hoạt cốt lõi là thực hành, biểu diễn và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể mà họ đang nắm giữ. Theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, thống kê được có 531 CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với phần đa là các CLB gắn với lễ hội truyền thống, chỉ có 66 CLB có Quyết định thành lập, chủ yếu do UBND cấp xã ban hành. Kinh phí hoạt động đại đa số do các thành viên tham gia CLB tự đóng góp và nguồn xã hội hóa khác. Việc hỗ trợ của các địa phương còn hạn chế, chưa đồng đều.

Tại kỳ họp thứ X – HĐND khóa XVI của Hà Nội tháng 12/2022 đã ban hành Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND Quy định chế độ đãi ngộ, hỗ trợ “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”, Nghệ nhân và Câu lạc bộ tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, Thành phố đã bố trí nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết đến các quận, huyện, thị xã với tổng kinh phí 13 tỷ 232 triệu đồng. Các chế ngộ đãi ngộ đã kịp thời động viên, khích lệ các nghệ nhân tiếp tục gìn giữ, bảo vệ, trao truyền, quảng bá, phát huy giá trị các di sản đang nắm giữ.

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam đã làm rõ khái niệm các chủ thể văn hóa, nghệ nhân, NNND, NNƯT… Theo TS. Lê Thị Minh Lý, các nghệ nhân cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình thông qua các hoạt động: Thực hành và truyền dạy; Tư liệu hóa, truyền thông và tham gia giáo dục di sản; Chia sẻ, học hỏi và sáng tạo ra sản phẩm mới; Bảo vệ sự đa dạng văn hóa của Thủ đô, quốc gia và nhân loại; Tham gia các hoạt động xã hội của Thành phố với vị thế và trách nhiệm của nghệ nhân. Còn đối với các nhà quản lý cần đánh giá lại về chính sách, về hiệu quả, về các vấn đề cần rút kinh nghiệm sau 3 đợt phong tặng danh hiệu; Xây dựng tiêu chí mới, quy trình mới theo Luật mới, chính sách mới; Truyền thông, toạ đàm nâng cao nhận thức và hướng dẫn cộng đồng tự đánh giá, xây dựng hồ sơ đề cử; Cần tổ chức các chương trình, sự kiện để các nghệ nhân được thể hiện khả năng/di sản của mình, để xã hội được biết, trải nghiệm và khích lệ; Cùng với đó là tổ chức tốt quy trình thẩm định có sự tham gia của cộng đồng, các nhà khoa học và các tổ chức nghề nghiệp phi chính phủ có liên quan.

TS. Lê Thị Minh Lý – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam

Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh chia sẻ, theo Danh mục kiểm kê của Thành phố, huyện Đông Anh hiện có 128 di sản văn hoá phi vật thể. Trong đó, lễ hội Cổ Loa và nghệ thuật múa Rối nước Đào Thục được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Qua 3 đợt rà soát, tổng hợp, trình hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, huyện Đông Anh đã có 15 nghệ nhân thuộc loại hình nghệ thuật: Tuồng, Ca trù, Rối nước, tín ngưỡng thờ Mẫu được phong tặng nghệ nhân ưu tú. Hiện nay còn 356 nghệ nhân theo rà soát có hoạt động trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể từ 5 năm trở lên chưa được phong tặng danh hiệu.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, những năm qua, huyện Đông Anh đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó các nghệ nhân đã có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị DSVH phi vật thể trên địa bàn như: Tuyên truyền giáo dục; mở lớp tập huấn, bồi dưỡng, truyền dạy; sưu tầm, lưu trữ các tác phẩm, hiện vật, các tài liệu liên quan tới các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống… Tuy nhiên, các loại hình nghệ thuật truyền thống đều đang đứng trước thực trạng bị già hoá, đội ngũ kế cận không nhiều, dẫn tới nguy cơ bị mai một. Nhiều CLB được khôi phục hoặc thành lập mới nhưng hiệu quả chưa cao, hoạt động cầm chừng. Các loại hình nghệ thuật truyền thống không phát huy được thế mạnh, không tạo ra được nguồn thu từ chính nghề truyền thống do thiếu đất diễn, thiếu khán giả, kén khán giả, thiếu nguồn kinh phí. Các vở diễn cổ thiếu kinh phí để phục dựng, kịch bản mới để thu hút người xem… Vì vậy, cần có chính sách đầu tư kinh phí cho các môn nghệ thuật trình diễn dân gian truyền thống phục dựng lại những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng, từ đó góp phần bảo tồn nghệ thuật trình diễn ở địa phương.

Cũng tại Tọa đàm, NNƯT Nguyễn Văn Định (Câu lạc bộ Tò He Xuân La, huyện Phú Xuyên) cho biết, để lưu giữ, phát huy giá trị nghề sản xuất đồ chơi truyền thống, CLB thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn Thành phố nhằm tuyên truyền phổ biến về nghệ thuật nặn Tò he đến các em học sinh. Hiện nay, CLB đã và đang tổ chức các lớp truyền dạy di sản nặn tò he theo kế hoạch của UBND huyện. “Ngoài các lớp truyền dạy tại CLB hàng tháng, trong thời gian tới, chúng tôi theo sự chỉ đạo của phòng Văn hoá và Thông tin, phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với các nhà trường trên địa bàn huyện tổ chức các lớp truyền dạy, trình diễn nghệ thuật nặn Tò he cho các cháu học sinh trong giờ ngoại khoá tại các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn. Đồng thời, tháng 10 tới đây, CLB sẽ có các hoạt động trình diễn Tò he tại Lễ hội Vinh danh làng nghề truyền thống của huyện Phú Xuyên” – NNƯT Nguyễn Văn Định cho biết thêm.

Tại Tòa đàm, các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân cũng đã đóng góp nhiều ý kiến về vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản, cũng như mối quan hệ giữa nghệ nhân và các định chế di sản, trách nhiệm của cộng đồng… Đồng thời cũng nêu bật vai trò của Nhà nước và chính sách đối với nghệ nhân trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nói chung.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh, việc tổ chức Tọa đàm nhằm đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, nhiệm vụ, kế hoạch của Trung ương và Thành phố trong công tác bảo vệ, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời qua đây cũng để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của nghệ nhân trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Thành phố, xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam nói chung, người Hà Nội nói riêng đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Bình Dương

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *