Xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị sẽ góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú; bồi đắp, lan tỏa nếp sống thanh lịch, văn minh, nâng cao chất lượng đời sống người dân….
Xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là một trong những nhiệm vụ quan trọng để xây dựng Hà Nội “Văn hiến- Văn minh – Hiện đại”. Thành phố phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố).
Thị trấn Sóc Sơn ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định rõ, phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ chính trị quan trọng đặc biệt trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”; là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị; là nhiệm vụ hàng đầu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội. Mục tiêu chung là nâng cao chất lượng xây dựng danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội, tạo lập thói quen, hình thành nếp sống văn minh, lối sống văn hóa phù hợp với thế giới hiện đại.
Người dân nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường
Thành phố cũng phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn văn minh đô thị đạt từ 40% trở lên (tính trên tổng số phường, thị trấn trên địa bàn Thành phố), đảm bảo các tiêu chí chung sau: 100% tổ dân phố trên địa bàn có nhà văn hóa hoặc điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân tham gia; 100% tổ dân phố trên địa bàn được công nhận đạt danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa” theo quy định; 90% trở lên hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”; Có từ 01 đến 02 điểm vui chơi công cộng trên địa bàn được lắp đặt dụng cụ luyện tập thể dục thể thao ngoài trời; 70% cơ quan, đơn vị trên địa bàn đạt danh hiệu văn hóa theo quy định; Duy trì thường xuyên các hoạt động văn nghệ quần chúng, thể dục, thể thao; bảo tồn di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh; các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương; Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội; an toàn giao thông; không phát sinh tệ nạn xã hội, trọng án hình sự, vi phạm trật tự xây dựng.
Thực hiện Kế hoạch của thành phố, nhiều địa phương đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã vào cuộc quyết liệt, tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị của từng người dân, từng khu phố, cụm dân cư. Trên địa bàn thành phố đã hình thành, duy trì hiệu quả nhiều mô hình xây dựng văn minh đô thị góp phần tạo chuyển biến tích cực trong diện mạo cảnh quan. Bộ mặt các phường, thị trấn ngày càng khang trang, sạch đẹp, hiện đại. Những giá trị văn hóa truyền thống, nét thanh lịch của người Hà Nội được giữ gìn và phát huy. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng cao.
Quận Ba Đình đã chọn xây dựng phường Điện Biên là phường điểm về kỷ cương và văn minh đô thị với các yêu cầu bảo đảm các tiêu chí về an ninh trật tự, giữ gìn vệ sinh môi trường, kỷ cương trong quản lý đô thị, xây dựng, cũng như xây dựng nếp sống văn hóa, người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cơ sở để nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn trong thời gian tới. Để triển khai nhiệm vụ này, phường Điện Biên chọn đơn vị làm điểm, tổ chức họp chuyên đề bàn giải pháp xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu; ra quân chỉnh trang đô thị, phát động phong trào “phủ xanh gốc cây”; xây dựng quy định chi tiết về việc quản lý chỗ đỗ xe, kẻ vạch phần diện tích được buôn bán, giải quyết dứt điểm tình trạng họp chợ, buôn bán tự phát…
Để thực hiện mục tiêu xây dựng phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị, Phòng Văn hóa – Thông tin quận Hà Đông đã tiến hành khảo sát công tác quản lý và sử dụng nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng. Trước đó, quận cũng đã ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa năm 2022”, trong đó đặt ra chỉ tiêu có 2 điểm phường đạt chuẩn văn minh đô thị thời gian tới. Quận dự kiến xây dựng phường văn minh đô thị tại các phường: Văn Quán, Mộ Lao, Hà Cầu, Phú La, Phú Lãm. Tuy nhiên, các phường này đều đang “vướng” vào tiêu chí thiếu hoặc chưa đồng bộ về thiết chế văn hóa. Đây cũng là cái khó chung của nhiều địa phương vì chưa hoàn thiện thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. (Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, chỉ có 31% tổ dân phố thuộc phường, thị trấn trên địa bàn thành phố có nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng; nhiều điểm chỉ đáp ứng được việc hội họp).
Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn thành phố đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tháo gỡ vướng mắc về tiêu chí thiết chế văn hóa. Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” có một trong các nội dung quan trọng đó là đầu tư, phát triển hệ thống các thiết chế văn hóa. Hà Nội sẽ tập trung thực hiện 6 nhóm giải pháp. Trong đó, có tập trung nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội cho công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa trên địa bàn. Nội dung này sẽ tạo điều kiện cho các phường, thị trấn hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn văn minh đô thị như Kế hoạch số 59 của UBND Thành phố.
Đức Minh