Thành phố phấn đấu hoàn thành 8 chỉ tiêu: Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Xây dựng Mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư. Hoàn thành thí điểm và kết nối tương tác từ 3-5 trung tâm…
Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO được thành lập năm 2004, với mục tiêu tăng cường hợp tác giữa các thành phố đã được công nhận sáng tạo, coi đây là một yếu tố chiến lược phục vụ phát triển bền vững trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa và môi trường. Các thành phố của mạng lưới đến từ tất cả châu lục và khu vực có mức thu nhập và dân số khác nhau, cùng nhau hướng tới một sứ mệnh chung, đặt sự sáng tạo và nền kinh tế sáng tạo làm cốt lõi trong việc phát triển đô thị để tiến tới các thành phố an toàn, hội nhập và phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu chương trình nghị sự 2030 của Liên hiệp quốc về Phát triển bền vững.
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2022
Mạng lưới Thành phố sáng tạo hướng tới 7 lĩnh vực: Thủ công và Nghệ thuật Dân gian, Nghệ thuật Truyền thông, Phim, Thiết kế, Ẩm thực, Văn học và Âm nhạc. Hiện nay, đã có 246 thành phố tham gia Mạng lưới này, trong đó Đông Nam Á có hơn 10 thành phố sáng tạo, cùng hướng tới một mục tiêu chung: Đặt sáng tạo và các ngành công nghiệp văn hóa vào trung tâm của các kế hoạch phát triển ở cấp địa phương và tích cực hợp tác ở cấp quốc tế. Năm 2019, Hà Nội trở thành thành viên của mạng lưới thành phố sáng tạo (Lĩnh vực Thiết kế).
Trao giải thưởng Ý tưởng Sáng tạo mới (Cuộc thi Thiết kế nghệ thuật công cộng)
Thực hiện các nội dung theo cam kết với UNESCO, năm 2022, Hà Nội đã tổ chức thành công nhiều hoạt động: Các cuộc thi “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022” , “Thiết kế Ngôi nhà mơ ước”, “Hà Nội sáng tạo” ; Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội năm 2022…Trong đó, Cuộc thi “Thiết kế Nghệ thuật công cộng Hà Nội 2022” đã nhận được 104 bài dự thi đến từ các bạn sinh viên, các nhà thiết kế trẻ trên cả nước. Theo đánh giá của Hội đồng Giám khảo, các phương án dự thi đều thể hiện rõ ràng ý tưởng, khối lượng hồ sơ minh hoạ thể hiện tinh thần nghiên cứu tâm huyết, nghiêm túc của các nhóm sáng tạo trẻ. Cuộc thi “Thiết kế Ngôi nhà mơ ước” đã nhận được 114 bài dự thi từ các kiến trúc sư, sinh viên kiến trúc trên cả nước, trong đó có 55 bài dự thi thuộc hạng mục chuyên nghiệp và 59 bài dự thi thuộc hạng mục Bán Chuyên nghiệp. Theo Hội đồng Giám khảo, các phương án dự thi năm nay chất lượng tốt. Hạng mục chuyên nghiệp đáp ứng được tiêu chí cuộc thi, những tác phẩm được chăm chút, giải pháp sáng tạo theo xu hướng kiến trúc hiện đại, phát huy những cách tiếp cận mới về công năng, trên cơ sở kế thừa các giá trị truyền thống, kết hợp với khai thác công nghệ, vật liệu mới để ngôi nhà thật sự là nơi trú ngụ an toàn – bình yên – cá tính. Hạng mục bán chuyên tốt hơn hẳn, thể hiện chất lượng đồng đều, sinh viên nghiêm túc và chuyên nghiệp trong cách thể hiện.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng làm việc với ông Christian Manhart – Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam và ông Thierry Vergon – Giám đốc Viện Pháp tại Hà Nội về trao đổi các cơ hội hợp tác trong các hoạt động Thành phố sáng tạo.
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tọa đàm “Di sản trong thành phố Sáng tạo Hà Nội”
Đặc biệt, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022 được tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ 25 không gian sáng tạo nghệ thuật với gần 50 hoạt động tham quan, trải nghiệm, tương tác dưới hình thức triển lãm, trưng bày, sắp đặt, tọa đàm, hội thảo, trình diễn nghệ thuật… Cùng với đó, là sự góp mặt của gần 50 nghệ sĩ tham gia triển lãm, sắp đặt, trưng bày; gần 300 nghệ sĩ tham gia các chương trình biểu diễn; gần 50 đơn vị, tổ chức, cộng đồng sáng tạo; gần 30 diễn giả tham gia các tọa đàm, hội thảo chuyên sâu… cùng hàng triệu lượt tiếp cận tương tác trên các kênh thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, nhằm tôn vinh, quảng bá, khơi dậy nguồn lực thiết kế sáng tạo trên địa bàn Hà Nội, trong khuôn khổ lễ hội, Ban Tổ chức phát động một số cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo trẻ, nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian thành phố tương lai, như: Cuộc thi Ngôi nhà mơ ước; cuộc thi Thiết kế nhanh – Bảo tồn và phát huy di sản nhà máy; cuộc thi ảnh cho thanh, thiếu niên “Hà Nội một góc nhìn khác”…
Theo Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 01/4/2022, của UBND Thành phố Hà Nội về thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO đến năm 2025, Hà Nội sẽ triển khai nhiều chương trình, nội dung thực hiện các sáng kiến gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Thành phố phấn đấu hoàn thành 8 chỉ tiêu: Xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo Hà Nội; Xây dựng Mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện với nhiều mô hình đầu tư, quản lý, khai thác, vận hành đa dạng, hiệu quả, kết hợp tăng cường hợp tác công tư. Hoàn thành thí điểm và kết nối tương tác từ 3-5 trung tâm; Xây dựng và tuyển chọn các ý tưởng sáng tạo; Hỗ trợ khởi nghiệp và thực hiện các ý tưởng có hiệu quả và ý nghĩa văn hóa, xã hội, kinh tế; chuyển tải thành Chương trình truyền hình tài năng sáng tạo Hà Nội; Tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 01 năm/01 lần; Tổ chức diễn đàn Mạng lưới Thành phố Sáng tạo khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội; Xây dựng Mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ; Đào tạo và bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực cho “Thành phố sáng tạo”; Mở rộng mô hình chuyển đổi, cải tạo, tái hiện, phát triển các di sản văn hóa (di sản công nghiệp, di sản đô thị, di sản kiến trúc, di sản ký ức, các thiết chế văn hóa…) trở thành các không gian văn hóa sáng tạo.
Theo Kế hoạch, Hà Nội cũng thực hiện 3 sáng kiến ở cấp độ quốc tế gồm: Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, diễn đàn Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở khu vực Đông Nam Á, mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ. Về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Thành phố xác định đây là sự kiện thường niên, quy tụ chuỗi sự kiện, hoạt động chuyên đề, chương trình tôn vinh, giao lưu văn hóa nêu bật những đổi mới trong thiết kế sáng tạo ở Thủ đô cũng như các tỉnh, thành phố trong nước và toàn cầu… Đối với nhiệm vụ hình thành Mạng lưới nhà thiết kế sáng tạo trẻ, Thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Ngoại vụ, Thành đoàn… phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trong nước và quốc tế thực hiện Dự án “Huy động nguồn lực văn hóa và sự tham gia của giới trẻ đưa Hà Nội trở thành Kinh đô sáng tạo”, bao gồm các hoạt động bảo tồn và phục hồi các di sản văn hóa, phục hồi các làng nghề và hỗ trợ các không gian sáng tạo để nuôi dưỡng các tài năng trẻ của Hà Nội…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng xác định nhiệm vụ với vai trò là thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo, gồm: Thành lập Ban điều phối Thành phố sáng tạo của Hà Nội; tham dự các hội nghị, diễn đàn Mạng lưới trong khu vực Đông Nam Á, châu Á và toàn cầu theo các chương trình của UNESCO; xây dựng báo cáo giám sát tư cách thành viên theo yêu cầu của UNESCO theo nhiệm kỳ cũng như đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức về Mạng lưới các thành phố sáng tạo, các sáng kiến và mục tiêu hướng tới của Hà Nội xây dựng thành phố sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa để phát triển kinh tế – xã hội một cách bền vững, phù hợp với các mục tiêu, chương trình của UNESCO.
Phú An