Việc phát triển CNVH đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa của Hà Nội được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực như: Du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo…
Một trong các nhiệm vụ được xác định trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa (CNVH) của Chính phủ đó là Hà Nội sẽ trở thành một trong 3 trung tâm CNVH lớn của cả nước. Nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của Hà Nội, Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09 -NQ/TU ngày 22/02/2022 về “Phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Năm 2019, Hà Nội chính thức là thành phố đầu tiên của Việt Nam và là 1 trong 3 Thủ đô đầu tiên của các nước Đông Nam Á được vinh dự gia nhập Mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO (ở lĩnh vực Thiết kế). Đây là cơ hội thuận lợi để Hà Nội định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trong tất cả các lĩnh vực sáng tạo văn hóa, thực hiện đúng nhiệm vụ được đề ra. Đồng thời là bước đi đầu tiên nhưng có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao tầm vóc và tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hà Nội. UBND TP ban hành Kế hoạch số 102- KH/UBND về “Thực hiện các sáng kiến gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO đến năm 2025” (Chương trình 06, nhiệm kỳ 2021 – 2025). Cùng với đó, một số dự án trọng điểm của Hà Nội đã có tác dụng thực tiễn, giải quyết những vấn đề để phát triển các ngành CNVH trên địa bàn Hà Nội như: Dự án xây dựng đề án Trung tâm thiết kế sáng tạo; Xây dựng mạng lưới Trung tâm sáng tạo đến các quận, huyện, thị, hoàn thành thí điểm và kết nối tương tác từ 3-5 trung tâm vào năm 2023; xây dựng Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu sản phẩm làng nghề đặt tại phía Nam Hà Nội; phối hợp với Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện phát triển các dự án “Không gian Văn hóa và Sáng tạo”, các Hub sáng tạo trên địa bàn Thủ đô; tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội; tham gia diễn đàn mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO trong khu vực Đông Nam Á; hình thành mạng lưới các nhà sáng tạo trẻ thông qua nhiều hoạt động đa dạng…
Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt
Ảnh: nld.com.vn
Việc quảng bá thương hiệu quốc gia cũng được thực hiện rộng khắp, hiệu ứng tốt; những chương trình, dự án và các sự kiện trên có vai trò quan trọng trong việc giải quyết những vấn đề cụ thể của CNVH ở Hà Nội như địa vị pháp lý của các không gian sáng tạo, số liệu thống kê làm nền tảng đánh giá và lập kế hoạch phát triển từng lĩnh vực cụ thể, xây dựng thương hiệu.
Tính đến nay, các địa phương, đơn vị trên địa bàn TP đang nỗ lực tiến hành triển khai thực hiện đề án, kế hoạch của TP. Hà Nội đã tổ chức thành công 03 cuộc hội thảo về các lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của ngành CNVH Thủ đô là du lịch văn hóa (làng nghề thủ công truyền thống) và các không gian sáng tạo…Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia trong nước và quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, các cơ quan báo chí và truyền thông trong cả nước đã có nhiều tuyến mà nhiều bài viết của các báo trực thuộc Trung ương, một số tỉnh, thành bạn đồng loạt đăng tải, đưa tin.
Bên cạnh đó, Hà Nội đã nghiên cứu sáng tạo và phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, triển khai các sản phẩm du lịch đêm trên nền tảng khai thác giá trị truyền thống, mang đến sự độc đáo, mới lạ cho du lịch Hà Nội; Nghiên cứu triển khai các loại hình du lịch gắn với thế mạnh từng địa phương; xây dựng các mô hình làng nghề du lịch đồng bộ với quy hoạch, cung cấp đầy đủ các dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng, đa dạng, các hoạt động trải nghiệm, gắn kết chặt chẽ trong các vùng du lịch trọng điểm của Thủ đô.
Một góc “Không gian sắp đặt Nước trong Di sản Tháp nước Hàng Đậu”
Với 46 di sản thuộc loại hình làng nghề thủ công truyền thống, 35 di sản thuộc loại hình tri thức dân gian; với khoảng 183 sản vật, món ăn uống đặc sắc của Hà Nội như bánh cổ truyền Gia Trịnh, bánh Trung Thu bà Dần, bánh tôm Hồ Tây, bún Mạch Tràng, bún chả que tre…đã hình thành các tuyến phố ẩm thực, khu vực giới thiệu những món ăn, ẩm thực của Thủ đô, đề xuất đưa một số món ăn tiêu biểu của Hà Nội vào Danh mục di sản phi vật thể Quốc gia. Hà Nội cũng là nơi có cộng đồng và các nhóm sáng tạo ở hầu hết những lĩnh vực CNVH; TP có 2.764 doanh nghiệp thiết kế/ tổng số 10.200 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp thiết kế sáng tạo.
Cùng với đó là mạng lưới làng nghề trải rộng từ thành thị đến nông thôn cùng hàng trăm nghệ nhân, thợ giỏi, cộng đồng sáng tạo mới mẻ đã đưa Hà Nội trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy cảm hứng sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ CNVH trong đời sống xã hội, nơi tôn vinh, quảng bá, lan tỏa giá trị văn hóa Việt. Hà Nội còn là điểm đến hấp dẫn về nghệ thuật biểu diễn. TP có chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng có tính hệ thống và mang tính chuyên nghiệp cao. Đó cũng là ưu thế đặc biệt của công chúng Hà Nội khi được tiếp nhận, hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn từ nhiều nguồn phong phú, chất lượng. Đồng thời, đó cũng là thị trường khá thuận lợi, hấp dẫn để phát triển biểu diễn nghệ thuật phục vụ cộng đồng.
Song song với phát triển CNVH, TP quan tâm đầu tư xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa Thủ đô. Việc phát triển CNVH đi đôi với xây dựng và hoàn thiện thị trường văn hóa của Hà Nội được thể hiện rõ trên nhiều lĩnh vực như: Du lịch văn hóa, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, thủ công mỹ nghệ truyền thống, nhiếp ảnh, triển lãm, mỹ thuật, quảng cáo…
Không gian Ago Hub, điểm đến của giới Kiến trúc và Nghệ thuật đương đại, đa phương tiện, Nhiếp ảnh, Di sản văn hóa
Ảnh: Tạp chí Kiến trúc
TP đã tạo nhiều cơ hội tiếp xúc rộng rãi, chọn lọc, tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới và tổ chức thành công các sự kiện văn hóa…Qua đó, vị thế của Thủ đô Hà Nội ngày càng được củng cố, nâng cao trên trường quốc tế; mối quan hệ, hợp tác giữa Hà Nội với các Thủ đô, với các đất nước trên thế giới ngày càng mở rộng, số lượng khách nước ngoài đến Hà Nội tăng không ngừng.
Một điểm nhấn quan trọng trong việc phát triển CNVH đi đôi với xây dựng hoàn thiện thị trường văn hóa đó là TP đã tạo ra rộng khắp các không gian sáng tạo văn hóa nghệ thuật như: Không gian đi bộ Hồ Gươm, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Phố sách Hà Nội tại phố 19/12, Hoàng Thành Thăng Long, Công viên Lý Thái Tổ, Công viên Thống Nhất, các sân vận động, nhà bảo tàng, nhà văn hóa…nhờ đó đã gây được ấn tượng mạnh đối với người dân Thủ đô, thu hút sự quan tâm của các địa phương trong cả nước và bạn bè quốc tế. Cùng với đó, là sự phát triển các mô hình không gian sáng tạo văn hóa, nghệ thuật cộng đồng (khoảng gần 200 không gian sáng tạo) hoạt động khá hiệu quả, thu hút cộng đồng tham gia sáng tạo văn hóa: The vuon, Hanoi Creative City, Heritage space,… đây được xem là nền tảng tiền đề quan trọng để khai thác và phát huy tối đa sức sáng tạo sự đóng góp của cộng đồng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, văn nghệ sỹ, trí thức để phát triển CNVH Thủ đô, xây dựng Hà Nội trở thành Thành phố sáng tạo, nhờ đó lượng khách trong nước và quốc tế đến tham quan phố đi bộ tăng đáng kể.
Phú An