Đồng chí Vũ Minh Quý, Phó Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá cao chủ trương của Hà Nội và những kết quả đã đạt được của Thành phố trong việc phát triển kinh tế thể thao trong tình hình mới và giám sát việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Sáng 26/9, Đoàn công tác của Ban Kinh tế Trung ương do đồng chí Vũ Minh Quý, Phó Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội và Sở Du lịch về Đề án “Phát triển kinh tế thể thao trong tình hình mới” và “Giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đồng chí Vũ Minh Quý, Phó Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng đoàn công tác phát biểu ý kiến tại buổi làm việc
Tham gia Đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Mạnh Hùng, phụ trách chủ trì Đề án; Nguyễn Hồng Minh, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao, Hoàng Anh Quân, Phó Chánh văn phòng Tổng Cục Du lịch.
Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có các đồng chí: Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; đại diện Sở Tài chính Hà Nội và đại diện cán bộ quản lý Nhà nước thuộc các lĩnh vực liên quan.
Tại buổi làm việc, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã báo cáo khái quát tình hình phát triển kinh tế thể thao của Thành phố Hà Nội, cụ thể: Những năm qua, TDTT cho mọi người trên địa bàn Thành phố đã có những bước tiến vượt bậc, thể thao quần chúng có hệ thống thi đấu quy mô, phong phú với những hoạt động mang tính chiều sâu, hướng đến nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Nhờ có định hướng trong ngành thể thao, phong trào rèn luyện và thi đấu thể thao, đặc biệt là các Giải học sinh, sinh viên đã góp phần tạo nguồn VĐV năng khiếu cho thể thao thành tích cao.
Hà Nội là một trong các tỉnh thành đi đầu cả nước trong lĩnh vực thể thao thành tích cao, đóng góp khoảng 30% tổng số huy chương trong các kỳ SEA Games và ASIAD. Thành tích của thể thao Thủ đô tại các kỳ đại hội thể thao trong nước liên tiếp giành ngôi vị Nhất toàn đoàn.
Để có thành tích trên, ngoài sự đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, Hà Nội xác định thể thao cũng là một ngành kinh tế, vì vậy Thành phố đề ra giải pháp huy động nguồn lực xã hội hóa liên quan đến kinh tế Thể thao, quan tâm phát triển công nghiệp dụng cụ, trang thiết bị thể thao và các hoạt động kinh tế phù hợp để tạo nguồn lực trong thể thao. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển kinh tế thể thao, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động kinh doanh, sản xuất, tổ chức dịch vụ TDTT.
Các cơ sở TDTT ngoài công lập phát triển rất mạnh. trong đó có nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Qua công tác quản lý, thanh tra, toàn thành phố đến nay có 885 doanh nghiệp, Công ty đang được cấp phép đủ điều kiện hoạt động chuyên môn với 17 loại hình hoạt động dịch vụ thể thao về các loại hình kinh doanh tổ chức hoạt động chuyên môn. Hoạt động sản xuất mặt hàng, dịch vụ, thương mại…tập trung đăng ký kinh doanh đầu tư chủ yếu các nội dung như: sân Bóng đá, sân Quần vợt, phòng tập Thể hình, Yoga, Câu lạc bộ Billiards, Bể bơi, sân Cầu lông, sân tập luyện Bóng rổ. Tính đến thời điểm hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng số 11.279 công ty, doanh nghiệp, hộ cá thể kinh doanh hoạt động TDTT gồm 39 đơn vị sản xuất mặt hàng TDTT, 10.574 đơn vị kinh doanh dụng cụ TDTT và 666 đơn vị kinh doanh hoạt động dịch vụ TDTT. Các sự kiện, hoạt động thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế được tổ chức tại Hà Nội đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển kinh tế của Thành phố
Phát triển TDTT cho mọi người là biện pháp tiên quyết nhằm kích thích tiêu dùng thể thao hữu hiệu nhất; số người tham gia vào hoạt động TDTT thường xuyên là mục tiêu để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm vật chất thể thao; phát triển các dịch vụ phục vụ người tập luyện TDTT như y học thể thao, chăm sóc sức khỏe, hồi phục chức năng cơ thể…Tạo nguồn tài chính bền vững thông qua gắn phát triển hoạt động TDTT với phát triển kinh doanh thể thao. Minh bạch về chính sách và cơ chế hoạt động phát triển TDTT. Hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý TDTT, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thể thao phát triển, đáp ứng yêu cầu quản lý kinh doanh và phát triển ngành kinh tế mới.
Đồng chí Trần Thị Vân Anh trao đổi về công tác phát triển kinh tế thể thao của Hà Nội
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch Hà Nội trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đại diện Sở Du lịch cho biết: Qua hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết số 08, tốc độ tăng bình quân khách du lịch đến Hà Nội đạt khá cao, trên 9,8% năm, chiếm tỷ trọng 26,8% so với tổng lượng khách toàn ngành du lịch Việt Nam. Tổng thu từ khách du lịch trong giai đoạn 2017- 2018 tăng bình quân 12%/năm, chiếm tỷ trọng 12,9% so với tổng thu từ khách của ngành Du lịch Việt Nam. 9 tháng đầu năm 2019, tổng thu từ khách du lịch đạt 74.736 tỷ đồng, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ tiêu công suất sử dụng phòng trung bình của khách sạn tăng khoảng 3% so với cùng kỳ. Giai đoạn 2017- 2018, công suất sử dụng phòng trung bình đạt 63,56%, đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 06-NQ/TU của Thành ủy đề ra. Năm 2017, chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng nghề, bồi dưỡng kiến thức du lịch cho nhân viên làm việc tại các cơ sở du lịch và cán bộ quản lý du lịch đạt 68%. Năm 2018, tỷ lệ này đạt 85%. Đóng góp tổng hợp của du lịch vào GRDP Hà Nội đạt 8,07% (năm 2017), trong đó đóng góp trực tiếp là 3,24%, đóng góp gián tiếp là 4,83%. Năm 2018, tỷ lệ này đạt 10,15%, tăng 2,08% so với năm 2017, trong đó đóng góp trực tiếp là 4,12%, đóng góp gián tiếp là 6,03%.
Đạt được kết quả trên là nhờ nhận thức và hành động của các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị Thành phố và nhân dân Thủ đô đối với sự phát triển du lịch có chuyển biến tích cực. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân đối với việc phát triển bền vững, nhất là trong việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa, giao tiếp, ứng xử văn minh, thanh lịch, thân thiện, hiếu khách được đẩy mạnh. Hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch được đổi mới, nhất là chương trình hợp tác chiến lược giữa Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN đã tạo hiệu ứng tốt với khách du lịch quốc tế.
Từ kinh nghiệm của Hà Nội trong công tác quản lý Nhà nước, thanh, kiểm tra và hoàn thiện cơ sở pháp lý và các giải pháp đặt ra nhằm khắc phục một số tồn tại, hạn chế thông qua công tác trao đổi, thảo luận, đồng chí Vũ Minh Quý, Phó Vụ Trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương đã đánh giá cao chủ trương của Hà Nội và những kết quả đã đạt được của Thành phố trong việc phát triển kinh tế thể thao trong tình hình mới và giám sát việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là những cơ sở quan trọng giúp Ban Biên tập hoàn thiện đề án. Sau buổi làm việc, Ban Kinh tế Trung ương mong muốn tiếp tục được hợp tác với Hà Nội trong các lĩnh vực phát triển thể thao và du lịch.
Trước đó, Đoàn công tác đã khảo sát thực tiễn việc triển khai tại một số doanh nghiệp, đơn vị hoạt động về Thể dục thể thao và Du lịch.
Thanh Mai
Theo Trung tâm Thông tin Triển lãm