Hà Nội là địa phương có khối lượng di tích lớn nhất cả nước, do đó cũng đứng trước vấn đề có không ít hiện vật lạ, chưa phù hợp với văn hóa, mỹ thuật Việt Nam đã và đang hiện diện ở nhiều di tích.
Hà Nội là địa phương có khối lượng di tích lớn nhất cả nước, do đó cũng đứng trước vấn đề có không ít hiện vật lạ, chưa phù hợp với văn hóa, mỹ thuật Việt Nam đã và đang hiện diện ở nhiều di tích.
Nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến nhận thức của cộng đồng trong việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, ngay sau khi nhận được văn bản của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, TP Hà Nội đã khẩn trương có các văn bản chỉ đạo để triển khai thực hiện tới các quận, huyện, thị xã. Cùng với cả nước, sau 3 năm thực hiện chủ trương không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, việc trả lại không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích trên địa bàn TP đã có chuyển biến mạnh mẽ, góp phần khơi dậy ý thức bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc.
Theo số liệu thống kê năm 2014, TP Hà Nội có 28/30 quận, huyện, thị xã có hiện vật “lạ” với 435 sư tử đá và các hiện vật như đèn lồng, lọ lục bình không phù hợp. Ngay trong năm 2014, 20/28 quận, huyện, thị xã đã triển khai di chuyển 172 hiện vật lạ trong đó có 146 con sư tử ngoại lai. Điển hình, ngày 7/02/2015, tại Di tích lịch sử cấp Thành phố Đình làng thôn Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), chính quyền và nhân dân địa phương đã tổ chức di dời đôi sư tử đá kiểu Trung Quốc ra khỏi di tích, đồng thời thay thế vào đó là cặp nghê phục dựng theo mẫu nghê thế kỷ XVII. Đây được coi là bước chuyển giai đoạn quan trọng trong việc thực hiện công văn 2662 từ vận động, tuyên truyền đến bước người dân hiểu và tự nguyện di dời linh vật ngoại lai, thay thế bằng linh vật Việt. Từ nhận thức đầy đủ, cộng đồng đã có những hành động đúng đắn. Với chủ trương, bất cứ di tích nào trên địa bàn Hà Nội muốn thay thế linh vật ngoại lai bằng linh vật thuần Việt, Sở VH&TT sẽ hỗ trợ xử lý nhanh chóng các thủ tục liên quan. Điều này vừa đảm bảo tuân thủ Luật Di sản, vừa góp phần thực hiện tốt công văn số 2662.
Tính đến tháng 10/2017, Hà Nội đã nhận được báo cáo của 21/30 quận, huyện, thị xã về việc tổ chức di dời hiện vật không phù hợp ra khỏi khuôn viên di tích. Trong đó có 03 quận, huyện gồm: Mỹ Đức, Long Biên và Thanh Trì đã hoàn thành việc di dời các hiện vật theo thống kê ra ngoài khuôn viên di tích. Các quận, huyện: Ba Đình, Ba Vì, Bắc Từ Liêm, Đan Phượng, Đông Anh, Đống Đa, Hoài Đức, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Quốc Oai, Thanh Oai, Tây Hồ, Thanh Xuân, Thường Tín, Sơn Tây, Ứng Hòa đã tổ chức vận động, di dời được 180 linh vật, hiện vật không phù hợp với truyền thống, cụ thể là: 104 sư tử đá, 12 nghê đá, 12 tượng Quan Âm bạch y và 67 hiện vật không phù hợp với truyền thống. Bên cạnh việc kiên trì vận động di dời “hiện vật lạ”, các địa phương còn xử lý, cố gắng không có việc công đức tượng Phật mới vào chùa.
Từ năm 2014 đến nay, các quận, huyện, thị xã đã thực hiện tốt việc kiểm tra, hướng dẫn các địa phương tiếp nhận công đức nên đã không có phát sinh thêm trường hợp di tích nào đưa linh vật cũng như đồ thờ không đúng với truyền thống Việt Nam vào di tích. Đặc biệt, các cơ sở chế tác đã ngưng sản xuất các linh vật ngoại lai và chuyển sang chế tác các linh vật thuần Việt.
Như vậy, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tại Hà Nội, nhiều di tích có đặt các hiện vật không phù hợp truyền thống và thuần phong mỹ tục đã tự di dời, gỡ bỏ. Nhiều nhà nghiên cứu, các phóng viên, giáo viên và các bạn trẻ yêu văn hóa truyền thống đã tìm hiểu, nghiên cứu, tuyên truyền, quảng bá về các biểu tượng, linh vật thuần Việt như nhóm: Đình làng Việt, nhóm Linh vật cổ vật truyền thống Việt Nam, nhóm Chùa Việt…
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng đã tổ chức triển lãm chuyên đề “Linh vật Việt” tại Bảo tàng Hà Nội, trưng bày hơn 200 hình ảnh linh vật gồm: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, hạc, chó, rùa, cá… được nghiên cứu, sưu tầm tại các di tích, kết hợp với Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện. Triển lãm giúp công chúng có cái nhìn sâu hơn về ý nghĩa, cách bài trí cũng như cách tạo hình nghệ thuật để phù hợp hơn với không gian di tích và với từng giai đoạn lịch sử. Qua đó, góp phần nâng cao ý thức bảo tồn, kế thừa, phát triển những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, nhận diện những giá trị mỹ thuật, giá trị văn hóa, giá trị biểu tượng của linh vật Việt và đưa linh vật Việt xích lại gần hơn với công chúng.
Cho đến nay, tại Hà Nội, hầu như không còn tình trạng sản xuất, cung tiến mới, bày đặt, sử dụng đồ thờ và các hiện vật không phù hợp lịch sử, văn hóa, mỹ thuật truyền thống trong nội tự các di tích ở Thủ đô. Tuy nhiên, việc di dời, tháo dỡ vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sự hiểu biết về các biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam còn hạn chế. Nhiều linh vật lạ được đưa vào di tích đã lâu, ít nhiều gắn với tâm linh nên việc vận động di dời khó khăn, các doanh nghiệp cung tiến còn băn khoăn về yếu tố tâm linh ảnh hưởng đến việc kinh doanh của cơ sở. Việc tìm địa điểm di chuyển và xử lý đối với các hiện vật sau khi di dời là một vấn đề nan giải và cần tìm ra biện pháp giải quyết phù hợp thực tiễn….
Trong thời gian tới, Sở VH&TT Hà Nội vẫn tiếp tục phối hợp với các địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động, tập trung di chuyển các sư tử đá và hiện vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ra khỏi di tích, đồng thời tăng cường công tác quản lý việc đưa hiện vật vào di tích. Tổ chức kiểm tra, tiếp tục vận động và bắt buộc thực hiện việc di dời đối với một số “hiện vật lạ” ở các di tích.
Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ra đời đã đánh đúng và trúng vấn đề nhức nhối của xã hội, phù hợp với thực tiễn, do đó đã kịp thời chấn chỉnh việc đưa các linh vật, hiện vật lạ vào các di tích. Cùng với đó là sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan quản lý trong công tác chỉ đạo một cách tập trung, đồng bộ, khoa học, kết hợp vận động, tuyên truyền, đã trả lại một không gian văn hóa thuần Việt cho các di tích trên địa bàn Thủ đô.
Đông Hoàng
Theo MaskOnline