Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã triển khai 26 dạng mô hình, trong đó, trồng trọt, cơ giới hóa 17 dạng mô hình; chăn nuôi, thủy sản 9 dạng mô hình và được triển khai trên ở các quận, huyện, thị xã có sản xuất nông nghiệp của thành phố. Trong số […]
Trong số 17 dạng mô hình khuyến nông trồng trọt, cơ giới hóa đã được triển khai tại 87 điểm với 3.789 hộ tham gia. Các mô hình được triển khai đúng tiến độ, đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đề ra của mô hình. Một số mô hình đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa được bà con nông dân đánh giá cao, như: Mô hình trình diễn giống lúa mới năng suất chất lượng, gồm giống lúa LTH31, Lam Sơn 116, HDT 10; mô hình xây dựng cánh đồng cấy một giống gắn với tiêu thụ sản phẩm gồm các giống lúa Thiên ưu 8, LTH31, Đài thơm 8 và Bắc hương 9. Đây là các giống lúa có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, chịu thâm canh, chống chịu với sâu bệnh, năng suất đạt khoảng trên 60 tạ/ha, cao hơn giống đối chứng từ 7 đến 10%, đem lại lợi nhuận cao hơn các giống đối chứng trên 10%.
Tương tự, mô hình trình diễn giống ngô lai mới, ngô biến đổi gen, quy mô 55ha cũng được đánh giá cao. Cả 2 giống ngô này tham gia trình diễn đều sinh trưởng, phát triển mạnh, thân cây to khỏe, khả năng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh tốt, năng suất trung bình đạt trên 60 tạ/ha, cao hơn đối chứng 10 đến 20% so với giống ngô lai NK4300 thường đang được trồng phổ biến tại địa phương.
Bên cạnh đó, Trung tâm triển khai các mô hình cơ giới hóa, như: Máy gặt đập liên hợp có 3 máy, gồm dây chuyền gieo mạ khay tự động 3 dây chuyền, máy cấy lúa 7 máy và máy làm đất đa năng 36 máy. Tất cả các máy đều mới 100%, hoạt động tốt, giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất, đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ. Đơn cử, máy cấy lúa 6 hàng bình quân cấy được 3,5ha/ngày, bằng 30-80 người cấy thủ công theo truyền thống; dây chuyền gieo mạ khay tự động năng suất gieo bình quân 500-600 khay/giờ, đây là cơ sở để thúc đẩy vai trò dịch vụ của các HTX nông nghiệp tiến tới chủ động cơ cấu giống, thời vụ cho từng xứ đồng, thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa; máy gặt đập liên hợp năng suất gặt đập bình quân 3ha/ngày/10 tiếng, bình quân 1ha thu hoạch lợi nhuận của chủ máy thu về 2 triệu đồng, chi phí của người trồng lúa giảm khoảng 3 triệu đồng so với thuê gặt thủ công.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản, Trung tâm triển khai 9 dạng mô hình tại 67 điểm với 384 hộ tham gia, trong đó đã tổ chức nghiệm thu được 47 điểm mô hình. Các điểm còn lại đang được tiến hành triển khai theo đúng tiến độ và đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật đề ra. Cụ thể: Mô hình chăn nuôi bò và gà sinh sản năm thứ 2 (2017-2018); mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi gà thả vườn; mô hình hệ thống làm mát trong chăn nuôi; mô hình chăn nuôi bò sinh năm 2018 – 2019; mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm sử dụng thức ăn vi sinh. Các mô hình chăn nuôi, thủy sản đều được bà con nông dân đồng tình ủng hộ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cũng như cải thiện đời sống của người chăn nuôi…
Theo Cổng GTĐT TP