Thủ đô Hà Nội là địa phương có số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.
Thủ đô Hà Nội – trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế. Thủ đô Hà Nội cũng là địa phương có số lượng di tích, di sản văn hóa phi vật thể, lễ hội truyền thống lớn nhất cả nước; nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc.
Chính vì vậy, nhiệm vụ bảo tồn di sản, phát triển văn hóa trong những năm qua luôn được thành phố Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô. Điều này đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố.
Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa Hà Nội được chú trọng. Đến năm 2015, Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành các đề án: Tổng kiểm kê, đánh giá, phân loại 5.922 di tích và Tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên toàn Thành phố với 1.793 di sản phi vật thể theo quy định của Luật di sản văn hóa.
Công tác quản lý nhà nước về di sản ngày càng được tăng cường. Công tác khảo sát, lập hồ sơ xếp hạng các di tích; việc tổ chức gắn biển các địa điểm, di tích cách mạng kháng chiến, di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh được thực hiện khoa học, đúng quy trình; nhiều dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản đã và đang được triển khai có hiệu quả trong cộng đồng như: Nghệ thuật trình diễn dân gian hát Ca trù (11 Câu lạc bộ), hát Dô (Quốc Oai), Trống quân (Phúc Thọ, Thường Tín, Phú Xuyên); Nghề rèn ở Đa Sĩ (Hà Đông); Tri thức làm thuốc Nam của người Dao (Ba Vì); Tiếng lóng ở Đa Chất (Phú Xuyên)…; 12 nhóm với 149 bảo vật quốc gia có giá trị độc đáo, tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được bảo quản, lưu giữ, phát huy tại Bảo tàng, các di tích và trong các bộ sưu tập tư nhân trên địa bàn Thành phố.
Nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, ý nghĩa của di sản đối với đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội được nâng cao; ngày càng có nhiều di sản được nhận diện một cách rõ nét; nhiều công trình văn hóa được đầu tư, tôn tạo nâng cấp, bảo tồn và phát huy giá trị trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng, thu hút đông đảo khách tham quan, du lịch trong nước và quốc tế như: Di tích Phủ Chủ tịch, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hoàng thành Thăng Long, Đền Ngọc Sơn – hồ Hoàn Kiếm, di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Phố cổ Hà Nội, chùa Hương… góp phần phát triển kinh tế – xã hội và quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, hòa bình, hữu nghị ra thế giới.
Bên cạnh những kết quả đạt được, sự nghiệp bảo tồn di sản, phát triển văn hóa Thủ đô vẫn còn những băn khoăn, trăn trở. Nhiều di tích xuống cấp nhưng chưa được đầu tư tu bổ, tôn tạo, nâng cấp kịp thời. Hà Nội hiện có hàng nghìn di tích xuống cấp, trong đó có khoảng 500 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều di sản văn hóa phi vật thể, nhất là một số nghề thủ công truyền thống đang dần bị lụi tàn, mai một do sức ép của quá trình đô thị hóa, không đủ sức tồn tại, cạnh tranh. Các nghệ nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể ngày một cao tuổi, một số nghệ nhân đã ra đi mà chưa tìm được người để truyền dạy, bảo tồn di sản. Một số lễ hội bị thương mại hóa, đang dần mất bản sắc văn hóa truyền thống…
Với nhiệm vụ bảo tồn, phát triển văn hóa Thủ đô tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Thủ đô và của dân tộc, Hà Nội cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về di sản trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế. Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về di sản, văn hóa phù hợp với thực tiễn. Xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích các thành phần kinh tế, các tổ chức và cá nhân đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa.
Đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nhằm bảo tồn và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam, văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Có chính sách hỗ trợ nghệ nhân bảo tồn, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Bảo tồn di sản, phát triển văn hóa là việc làm đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ cần có sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, sự đồng tình, hưởng ứng của nhân dân, sự nghiệp bảo tồn di sản, phát triển văn hóa của Thành phố sẽ có bước phát triển đột phá, xứng tầm với vai trò và vị thế là Thủ đô của đất nước.
Nguyễn Anh
Ảnh: Internet
Theo MaskOnline