Sáng 13/6, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) tổ chức đoàn kiểm tra việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại thành phố Hà Nội. Qua kiểm tra ghi nhận, Hà Nội đã xây dựng được nhiều phong trào có chiều sâu, đạt được nhiều thành tích nổi bật.
Hà Nội đã thực hiện tốt 5 tiêu chí của phong trào
Báo cáo đoàn kiểm tra, bà Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hóa theo Nghị định 122/2018/NĐ-CP. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thành phố đã hướng dẫn các địa phương từ khâu đăng ký danh hiệu đến việc thống nhất cách thức triển khai thực hiện.
Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố đạt được một số kết quả nổi bật. Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thành phố đã phối hợp với các cơ quan thong tấn báo chí tập tung tuyên truyền các nội dung phong trào; Hướng dẫn các địa phương triển khai xây dựng các quy ước, hương ước làng, tổ dân phố trên địa bàn toàn thành phố, yêu cầu bổ sung các nội dung của Quy tắc ứng xử nơi công cộng; lồng ghép nội dung tuyên truyền phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với việc thực hiện Chương trình 04/CTr-TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa-xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh”…
Với nội dung đoàn kết giúp nhau “xoá đói giảm nghèo” đã đạt được nhiều kết quả, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện. Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả theo nguyên tắc Nhà nước và nhân dân cùng tham gia thực hiện. Các đoàn thể như Hội phụ nữ, Hội nông dân, đoàn Thanh niên đã triển khai và nhân rộng nhiều mô hình giảm nghèo có hiệu quả như: phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo…
Việc thực hiện nếp sống văn hóa, kỷ cương pháp luật được nâng cao. Các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, thương mại hóa, mê tín dị đoan trong việc cưới, việc tang và lễ hội trên địa bàn Thành phố cơ bản đã được khắc phục. Ý thức tông trọng, chấp hành pháp luật được nâng cao. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản được chú trọng, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Việc xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”, “xã đạt chuẩn nông thôn mới”, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội…đã và đang góp phần xây dựng nên một môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần xây dựng hình ảnh, con người thủ đô Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại. Năm 2018, thành phố có 1.524/2.538 làng là “Làng văn hóa”, đạt 60%; 3.580/5.422 tổ dân phố là “Tổ dân phố văn hóa”, đạt 71%…
Về việc xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao, toàn thành phố hiện có 30/30 quận, huyện, thị xã có Trung tâm văn hóa, thông tin và Thể thao. Tuy nhiên, có 29/30 quận, huyện, thị xã có các thiết chế văn hóa, thể thao (quận Nam Từ Liêm chưa có do mới tách); 143/584 nhà văn hóa cấp xã, phường, thị trấn; 100% xã đã hoàn thiện quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã… Thành phố đầu tư trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao tại các vườn hoa, công viên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã.
Đẩy mạnh chỉ đạo, tăng cường tuyên truyền để phong trào đạt hiệu quả tốt tới từng người dân, từng gia đình
Tuy nhiên, bên cạnh đó, cơ quan thường trực BCĐ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” TP Hà Nội cũng chỉ ra một số hạn chế trong quá trình thực hiện như: Trong nhận thức của một số cấp uỷ, chính quyền, ngành, đoàn thể còn chưa quan tâm thực sự đến công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa quyết liệt, kịp thời; công tác tuyên truyền, vận động vẫn còn tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”. Chất lượng các mô hình văn hóa ở một số địa phương, đơn vị chưa đảm bảo; việc bình xét, công nhận “Gia đình văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” ở một số địa phương, đơn vị còn làm qua loa, hình thức…
Tại buổi kiểm tra, cơ quan thường trực BCĐ thành phố kiến nghị các cơ quan trung ương và Bộ VHTTDL có hướng dẫn cụ thể về kinh phí khen thưởng danh hiệu “Gia đình văn hóa”; đề nghị xem xét lại việc công nhận danh hiệu “Cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa” đối với các đơn vị đạt danh hiệu 5 năm, vì danh hiệu này chưa được quy định tại Luật Thi đua khen thưởng nên khó khăn cho việc khen thưởng khi công nhận danh hiệu.
Kết luận tại buổi kiểm tra, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương nhận định, việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của thành phố Hà Nội đạt hiệu quả cao so với mặt bằng chung toàn quốc. Điều này thể hiện ở việc Hà Nội đã thực hiện tốt 5 tiêu chí của phong trào, đặc biệt là tiêu chí thực hiện nếp sống văn minh, đầu tư cho các thiết chế văn hoá, cho việc hoạt động các phong trào, tiêu chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Theo bà Ninh Thị Thu Hương, việc bình chọn “Gia đình văn hóa tiêu biểu” là rất cần thiết để tôn vinh, lan toả những giá trị mà các gia đình văn hoá tiêu biểu mang lại bằng những hình thức khen thưởng xứng đáng. Tuy nhiên, hiện nay, danh hiệu này chưa có trong luật, các địa phương cần có hình thức bình xét, vận dụng để động viên, nhân rộng những mô hình tiêu biểu.
Bộ VHTTDL đề nghị Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh chỉ đạo, thực hiện xây dựng môi trường đô thị văn minh, tăng cường tuyên truyền tới từng người dân, từng gia đình để phong trào đạt hiệu quả tốt.
Cuối buổi kiểm tra, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã trao học bổng cho 25 trẻ em, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn quận Thanh Xuân Nam năm 2019.
Tô Nga
Theo MaskOnline