Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc duy tu, bảo dưỡng các thiết chế thể thao ngoài trời; tích cực phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình lắp đặt thiết chế thể dục – thể thao ngoài trời, góp phần thu hút người dân tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Những năm gần đây, nhiều điểm lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời tại các không gian công cộng trên địa bàn Hà Nội đã trở thành nơi lựa chọn để rèn luyện sức khỏe của đông đảo người dân Thủ đô. Vào khung giờ tập thể dục cao điểm hằng ngày, các điểm tập luyện này luôn đông vui, thúc đẩy phong trào rèn luyện thân thể, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân.
(Ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)
Thực hiện Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày 16/1/2014 của UBND thành phố Hà Nội, phê duyệt Quy hoạch phát triển thể dục thể thao thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, từ năm 2014, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đã thí điểm lắp đặt các trang thiết bị tập luyện thể dục thể thao ngoài trời tại 7 quận: Long Biên, Ba Đình, Hà Đông, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng.
Trên cơ sở đó, việc lắp đặt dụng cụ tập luyện thể dục thể thao ngoài trời đã được nhân rộng ở nhiều địa phương trên địa bàn thành phố theo phương thức xã hội hóa như ở các quận, huyện: Tây Hồ, Đống Đa, Quốc Oai, Thanh Oai, Gia Lâm… Nhờ vậy, đến nay, toàn thành phố đã có gần 2.000 điểm tập luyện thể dục – thể thao ngoài trời. Mỗi điểm đều được lắp đặt từ 8 đến 24 dụng cụ tập luyện phù hợp với diện tích và dễ sử dụng cho mọi lứa tuổi. Điển hình trong việc này có thể kể đến quận Tây Hồ. Mấy năm qua, quận đã đầu tư, lắp đặt thiết bị tập thể dục thể thao ngoài trời tại hàng chục điểm ở khu vực vườn hoa ven Hồ Tây và nhà văn hóa các phường, thu hút đông đảo người dân tập luyện.
Tuy nhiên, do các thiết bị tập luyện được lắp đặt ngoài trời, chịu ảnh hưởng của thời tiết, có cường độ sử dụng cao nên khó tránh khỏi việc hỏng hóc. Chưa kể, một bộ phận người dân khi sử dụng còn thiếu ý thức giữ gìn khiến thiết bị nhanh xuống cấp, gây ra sự lãng phí. Trong khi đó, nhiều nơi chưa có quy chế sử dụng, trách nhiệm trong quản lý thiếu rõ ràng nên các thiết chế thể dục thể thao chưa phát huy được hiệu quả lâu dài.
Với mục tiêu đa dạng hóa hoạt động thể dục – thể thao quần chúng, đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện thân thể của toàn dân, bên cạnh việc tiếp tục lắp đặt các điểm luyện tập mới, cần có một khung pháp lý để quản lý, vận hành thiết chế này. Trong đó, các quy định phải rõ về cơ chế sửa chữa, bảo dưỡng cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng, cộng đồng dân cư trong quản lý, sử dụng thiết bị; quyền và nghĩa vụ của người tập luyện… Điều này sẽ giúp việc triển khai đạt hiệu quả, bảo đảm sự thống nhất trên địa bàn toàn thành phố.
Về vấn đề này, được biết, Sở VHTT đang tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản về các giải pháp quản lý điểm tập luyện thể dục – thể thao ngoài trời để phát huy hiệu quả, sử dụng thiết bị được lâu dài, bảo đảm mỹ quan đô thị. Trong đó, sẽ tạo hành lang pháp lý cho các địa phương chủ động vận dụng các nguồn kinh phí đầu tư xây dựng thiết chế thể dục – thể thao. Sở cũng sẽ có hướng dẫn cụ thể về việc duy tu, bảo dưỡng các thiết chế thể thao ngoài trời; tích cực phối hợp với các địa phương nhân rộng mô hình lắp đặt thiết chế thể dục – thể thao ngoài trời, góp phần thu hút người dân tham gia tập luyện nâng cao sức khỏe và làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng dân cư.
Và mới đây, Sở VHTT Hà Nội đã có Văn bản số 1380/SVHTT-QLTDTT về việc đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động tại các điểm lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời.
Đây là hoạt động nhằm triển khai Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”, trong đó có nhiệm vụ tiếp tục triển khai lắp đặt thiết bị thể dục thể thao ngoài trời phục vụ luyện tập, rèn luyện sức khỏe của Nhân dân trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Văn hóa và Thể thao yêu cầu các đơn vị rà soát, đánh giá hiệu quả, qua đó đề xuất các điểm lắp đặt mới, theo tiêu chí: Ở nơi không gian thoáng mát, rộng rãi, có bóng cây xanh, đông dân cư, thuận tiện đi lại như vườn hoa, công viên, đường đi ven hồ, sân chơi chung cư, nhà văn hóa… Các điểm tập luyện này phải có đơn vị quản lý, có quy chế, nội quy tập luyện, tổ chức kiểm tra, giám sát, duy tu, bảo dưỡng thường xuyên, bảo đảm an toàn.
Lâm Thanh