Gia đình

Hà Nội tổng kết 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”: những chuyển biến tích cực

Là một trong những địa phương tiên phong triển khai thực hiện các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội luôn xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh chất lượng phong trào, trọng tâm là nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Sau 15 […]

Là một trong những địa phương tiên phong triển khai thực hiện các nội dung phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Hà Nội luôn xác định rõ mục tiêu đẩy mạnh chất lượng phong trào, trọng tâm là nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Sau 15 năm triển khai, phong trào đã có bước phát triển mạnh, và đạt được những kết quả tích cực, đã huy động được cả hệ thống chính trị tham gia, góp phần khơi dậy được nhiều giá trị nhân văn trong cộng đồng.

Với những nhân tố mới trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, thể hiện rõ nhất là làm thay đổi diện mạo cả nông thôn và thành thị; đời sống vật chất và tinh thần được nâng cao, an sinh xã hội đảm bảo, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú và đa dạng, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thực sự trở thành phong trào thi đua yêu nước rộng lớn, toàn diện và sâu sắc. Các chủ trương, quan điểm về văn hóa theo tinh thần Nghị quyết đã được UBND thành phố cụ thể hóa bằng các chiến lược, đề án và những chính sách kịp thời nhằm tổ chức tuyên truyền, quán triệt và triển khai phong trào tại cơ sở. Các danh hiệu văn hóa ngày càng nâng cao về chất và tăng dần theo từng năm. Năm 2002, sau 1 năm triển khai phong trào, có 39,7% tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa; 15,9% làng đạt danh hiệu làng văn hóa; đến năm 2015, tỷ lệ này lần lượt tăng lên 70% và 55% . Hệ thống thiết chế văn hóa- thể thao từng bước được hoàn thiện. Hiện nay, Hà Nội đã có 25 thiết chế văn hóa thể thao cấp Thành phố, 26/30 quận, huyện, thị xã có thiết chế văn hóa, thể thao; 105/584 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (386 xã  có quy hoạch xây dựng trung tâm văn hóa, thể thao xã), 2094/2539 thôn làng, 1488/5412 tổ dân phố có nhà văn hóa…

1

   Hà Nội sẽ tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao

(Trong ảnh: Dự án xây dựng Nhà văn hóa quận Ba Đình,rộng 4342 m2)

 Nhờ triển khai hiệu quả phong trào, các giá trị văn hóa tốt đẹp, tình làng nghĩa xóm, tư tưởng đạo đức, lối sống được trân trọng và đề cao ở các gia đình, cá nhân trong cộng đồng nhằm giáo dục thế hệ trẻ xây dựng nhân cách toàn diện, hướng đến chân- thiện- mỹ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước. Những giá trị, nét đẹp văn hóa, truyền thống của người Hà Nội thanh lịch, văn minh tiếp tục được kế thừa và phát huy. Nếp sống văn hóa, văn minh đô thị, nhất là trong việc cưới, việc tang và lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực; ý thức chấp hành pháp luật được nâng cao; hoàn thành việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng dân cư. Trang thông tin Hanoidep.vn góp phần giữ gìn nét thanh lịch, hào hoa của người Hà Nội, đồng thời phê phán những hình ảnh chưa đẹp trong đời sống. Phong trào đã tạo nền tảng để xây dựng nông thôn mới, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Những kết quả đạt được trong 15 năm qua của phong trào là cơ sở quan trọng góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

2

Tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị các lễ hội truyền thống

 Phát huy những thành tích đạt được, từ nay đến năm 2020, Hà Nội phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể như: 88% hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu “Gia đình văn hóa”; 62% làng, thôn được công nhận và giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”; 72% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Tổ dân phố văn hóa”; trên 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được công nhận và giữ vững danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”; “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”; “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; 50% số xã được công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; 30% số phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% thôn, làng có nhà văn hóa- khu thể thao; 80% tổ dân phố có nhà văn hóa- khu thể thao, điểm sinh hoạt văn hóa.

Để đạt được các chỉ tiêu trên, Hà Nội sẽ tập trung phát triển phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” rộng khắp, hiệu quả và chất lượng ở các địa bàn. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa. Huy động mạnh mẽ các nguồn lực, trên cơ sở tăng mức đầu tư, hỗ trợ ngân sách nhà nước, thực hiện hiệu quả chính sách xã hội hóa và huy động nguồn lực trong dân. Lồng ghép việc thực hiện phong trào với các cuộc vận động, phong trào hiện có của các ban, ngành, đoàn thể…tạo nên sức mạnh tổng hợp của cộng đồng trong việc xây dựng nếp sống văn hóa và môi trường văn hóa. Tiếp tục huy động nguồn lực để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao. Kịp thời tuyên dương những tấm gương sáng, gương người tốt việc tốt, nhân rộng các mô hình mới, những tập thể và cá nhân điển hình trong thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa…Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, để củng cố tình đoàn kết ngay từ cơ sở, tạo sự đồng thuận, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

                                                          Thanh Mai

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *