Nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình lồng ghép trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch 141/KH-SVHTT triển khai công tác quản lý nhà nước về gia đình năm 2023.
Kế hoạch được ban hành cũng nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các ban, ngành, đoàn thể; các tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng về tầm quan trọng của công tác gia đình. Từng bước thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030; Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đến năm 2030; Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025; Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó, trong năm 2023, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu số hộ đạt Gia đình văn hóa là 88%; Hộ gia đình đạt tiêu chuẩn thể thao là 30%; Người tham gia luyện tập thể dục thể thao thường xuyên là 42,5%.
Trong công tác tuyên truyền, Thành phố đặt ra chỉ tiêu trên 82% các gia đình được cung cấp thông tin, kiến thức về văn hóa ứng xử, kỹ năng giáo dục đạo đức, lối sống, tình yêu thương, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hóa tốt đẹp; phòng ngừa rủi ro, tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình; đặc biệt quan tâm số hộ gia đình chính sách, hộ nghèo và cận nghèo, gia đình dân tộc thiểu số. Tỷ lệ các gia đình được tuyên truyền, giáo dục về truyền thống dân tộc, truyền thống văn hóa, truyền thống gia đình và tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại, giá trị tốt đẹp của gia đình hiện đại đạt trên 82%. Tỷ lệ các địa phương có mô hình về truyền thông, giáo dục xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cơ sở đạt trên 82%. Tỷ lệ các địa phương đưa nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, giáo dục hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới vào hương ước, quy ước của dòng họ, cộng đồng khu dân cư đạt trên 82%. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được giáo dục, tư vấn về hôn nhân gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc đạt trên 82%. Tỷ lệ vụ việc bạo lực gia đình được giải quyết theo quy định pháp luật đạt trên 95%; 100% người bị bạo lực được hỗ trợ cung cấp các dịch vụ thiết yếu; 100% địa phương có mô hình can thiệp, phòng ngừa và ứng phó bạo lực gia đình nhằm giảm tác hại của bạo lực gia đình, đặc biệt với phụ nữ, người yếu thế và trẻ em.
Đối với công tác phòng, chống bạo lực gia đình, tỷ lệ số hộ gia đình tham gia các buổi nói chuyện chuyên đề về phòng, chống bạo lực gia đình do UBND cấp xã tổ chức tại các thôn, tổ dân phố đạt trên 30%. Tỷ lệ các kênh chương trình truyền hình, cổng thông tin tuyên truyền của Thành phố, cổng thông tin điện tử các quận, huyện, thị xã có chuyên mục về phòng, chống bạo lực gia đình được phát sóng và đăng tải thông tin định kỳ đạt trên 35%. Tỷ lệ người có nguy cơ bị bạo lực gia đình được trang bị kiến thức, kỹ năng về ứng phó khi bị bạo lực gia đình đạt trên 60%. Tỷ lệ những người bị bạo lực gia đình khi phát hiện được bảo vệ, trợ giúp pháp lý và chăm sóc sức khỏe đạt trên 90%. Tỷ lệ những người có hành vi bạo lực gia đình khi phát hiện được tư vấn, cung cấp kiến thức, kỹ năng kiểm soát hành vi bạo lực đạt trên 80%. Tỷ lệ các quận, huyện, thị xã có cộng tác viên dân số thực hiện các nhiệm vụ về phòng, chống bạo lực gia đình tại cộng đồng đạt trên 90%. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn duy trì Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình đạt 90%. Tỷ lệ người trực tiếp tham gia phòng, chống bạo lực gia đình các cấp được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ về phòng, chống bạo lực gia đình đạt 85%.
Đối với công tác giáo dục đạo đức, lối sống, thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, Hà Nội đặt ra chỉ tiêu trên 60% hộ gia đình đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình được cung cấp thông tin về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt trên 70%. Tỷ lệ công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt trên 70%. Tỷ lệ đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở đạt trên 80%. Tỷ lệ học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục được tham gia sinh hoạt về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt 100%. Tỷ lệ cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước, các tổ chức chính trị – xã hội được tham gia sinh hoạt chuyên đề về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình đạt 100%.
Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội sẽ triển khai nhiều hoạt động như đăng ký, theo dõi và bình xét danh hiệu Gia đình văn hoá tuân thủ chặt chẽ quy trình, đưa tiêu chí bình đẳng giới, gia đình không bạo lực vào bình xét các danh hiệu văn hoá nhằm đạt được mục tiêu gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh. Tổ chức tọa đàm “Nâng cao chất lượng xây dựng các mô hình gia đình Thủ đô tiêu biểu”. Tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP. Tổ chức các hoạt động thực hiện chương trình “Xây dựng gia đình Thủ đô thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa” như: Gặp mặt, giao lưu các cá nhân, tập thể tiêu biểu nhân kỷ niệm 10 năm thực hiện Đề án Ngày Quốc tế Hạnh phúc; Lễ tôn vinh các gia đình văn hóa tiêu biểu Thủ đô Hà Nội năm 2023. Tổ chức Liên hoan các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức Tọa đàm “Kinh nghiệm và cách làm tốt trong thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”. Tổ chức Hội thi xây dựng các clip ngắn tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; Hội nghị giao ban về công tác quản lý nhà nước về gia đình, triển khai công tác xây dựng gia đình văn hóa cho các thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình và cán bộ phụ trách các cấp; Hội nghị trao đổi kinh nghiệm về công tác quản lý nhà nước về gia đình với Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các tỉnh, thành trong nước; Hội thi cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về gia đình giỏi…
Lệ Quyên