Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 716/KH-SVHTT ngày 15/11/2022 về thực hiện Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố đến năm 2030.
Với chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, Hà Nội đã đặt ra các mục tiêu cụ thể như: Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 đạt 70% và đến năm 2030 đạt trên 90% hộ gia đình tham gia đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Đến năm 2025 đạt 80% và đến năm 2030 đạt 100% hộ gia đình được cung cấp thông tin về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình.100% đơn vị cấp xã hằng tháng có nội dung tuyên truyền về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên hệ thống thông tin cơ sở.
Cùng với đó, Hà Nội cũng triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ để thực hiện được mục tiêu đề ra. Đó là: Tiếp tục đổi mới công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về tầm quan trọng của giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh, đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng đạo đức, lối sống về phát triển gia đình. Chú trọng tuyên truyền về chuẩn mực đạo đức, ứng xử văn hóa trong gia đình, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, cống hiến vì lợi ích cộng đồng, xã hội. Nêu gương người tốt, việc tốt, các mô hình gia đình tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau; phê phán các hành vi lệch chuẩn, vi phạm các chuẩn mực đạo đức, các giá trị văn hóa truyền thống và các hủ tục nhất là về tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Tăng cường phối hợp với các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của người uy tín trong cộng đồng, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố trong việc tuyên truyền, phổ biến, vận động các thành viên trong gia đình, xã hội về đạo đức, lối sống; ngăn ngừa thông tin và sản phẩm văn hóa độc hại tác động đến gia đình.
Phối hợp xây dựng mạng lưới cộng tác viên ở cơ sở tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lý tưởng, đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình.
Hằng năm, hướng dẫn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình gắn với các hoạt động kỷ niệm các ngày về gia đình, như: Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11), Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới bằng các hình thức đa đạng, thiết thực tạo được hiệu ứng xã hội nhằm tôn vinh các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về gia đình với các nội dung như: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống gia đình, hướng dẫn thực hiện Chương trình thông qua các tài liệu, các chuyên đề, các hội nghị về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; triển khai thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và trang bị kỹ năng cho cán bộ thực hiện công tác gia đình và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp trong tổ chức, triển khai, thực hiện Chương trình. Thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp; triển khai các chương trình phối hợp liên ngành với các cơ quan, đơn vị liên quan để thực hiện Chương trình.
Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho các thành viên trong gia đình. Hướng dẫn khai thác phát huy hiệu quả hoạt động trong các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao góp phần xây dựng con người khỏe mạnh về thể chất và tinh thần; phát huy vai trò của hệ thống thiết chế nhà văn hóa, nhà truyền thống, thư viện cơ sở và các công trình văn hóa, di tích lịch sử trong việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, chuẩn mực ứng xử văn hóa cho các thành viên gia đình, nhất là thế hệ trẻ. Xây dựng các trang tin trên hệ thống thông tin cơ sở về nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, khơi dậy khát vọng cống hiến cho mọi thành viên trong cộng đồng, góp phần xây dựng môi trường xã hội an toàn lành mạnh.Thực hiện lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình vào hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” góp phần xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ở cơ sở.
Phát huy vai trò của gia đình trong giáo dục đạo đức, lối sống. Phối hợp với các sở, ngành chức năng, các tổ chức, đoàn thể trong chỉ đạo, hướng dẫn tuyên truyền, vận động; phát huy vai trò, trách nhiệm của ông bà, cha mẹ, người lớn tuổi trong gia đình trong việc tuyên truyền, giáo dục về đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa ứng xử trong gia đình nhằm phát triển con người toàn diện và hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống trong gia đình. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho các thành viên trong gia đình phù hợp với từng độ tuổi, nhóm đối tượng; sử dụng các phần mềm, công cụ trên không gian mạng để nắm bắt thông tin, định hướng dư luận về xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh; kịp thời phát hiện và ngăn chặn những rủi ro, xung đột, bạo lực trong gia đình, các hành vi vi phạm về đạo đức, lối sống trong gia đình.
Kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình.Tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát tiến độ và hiệu quả thực hiện các mục tiêu Chương trình; định kỳ hằng năm tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm đảm bảo đạt các mục tiêu Chương trình theo Kế hoạch đề ra. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố.
Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện các mục tiêu Chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đó là huy động các nguồn lực trong các chương trình, đề án phát triển kinh tế – xã hội của Thành phố, khuyến khích xã hội hóa, tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ cho công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thực hiện công tác gia đình, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn và các khu công nghiệp có nhiều công nhân, người lao động.
Với việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trên địa bàn Thành phố đến năm 2030, Hà Nội hướng đến mục tiêu chung là tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội và mỗi người dân Thủ đô trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Đồng thời cũng định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ Thủ đô để hoàn thiện nhân cách, góp phần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện từ gia đình, khơi dậy khát vọng cống hiến góp phần xây dựng quê hương và phát triển đất nước.
PV