Tin trong nước

Hà Nội: Triển lãm nghề truyền thống “Chuyện sơn mài Việt Nam”

Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam nhờ sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật sơn mài.

Ngày 15/4/2016, Ban quản lý Phố cổ Hà Nội sẽ tổ chức khai mạc chương trình hoạt động văn hóa giới thiệu nghề truyền thống sơn mài với chủ đề ”Chuyện sơn mài Việt Nam”. Đây là hoạt động giới thiệu trưng bày, triển lãm với mục đích quảng bá và tôn vinh một nghề cổ truyền mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam.

Đây là chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và Ngày Quốc tế lao động 1/5. Chương trình “Chuyện sơn mài Việt Nam” giới thiệu một cách tổng quan, khái quát về nghề truyền thống sơn mài: nguồn gốc, công cụ khai thác, công cụ chế tác, kỹ thuật chế tác và hiện thực phát triển của nghề trong hai lĩnh vực có nhiều giao lưu văn hóa với thế giới, là Mỹ thuật ứng dụng và Mỹ thuật tạo hình.
Hoạt động diễn ra từ ngày 15/4 đến hết ngày 2/5/2016 tại các địa điểm sau: Đình Kim Ngân, 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc; Trung Tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ HN, 50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm và Ngôi nhà Di sản, 87 Mã Mây, phường Hàng Buồm.
Lễ khai mạc vào 16h ngày 15/4 tại đình Kim Ngân, số 42 – 44 phố Hàng Bạc, Hà Nội. Trong khuôn khổ chương trình diễn ra buổi tọa đàm “Sơn mài Việt Nam truyền thống và đương đại”, vào chiều 23/4 tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ, Hà Nội).
Sơn mài được coi là một trong các chất liệu hội họa ở Việt Nam nhờ sự tìm tòi và phát triển kỹ thuật của nghề sơn thủ công truyền thống thành kỹ thuật sơn mài. Nghề sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen.
 Đầu thập niên 1930, những họa sĩ Việt Nam đầu tiên học tại trường Mỹ thuật Đông Dương đã tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre, v.v. và đặc biệt đưa kỹ thuật mài vào tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài cũng xuất hiện từ đó. Kỹ thuật mài là điểm khác biệt lớn giữa đồ thủ công sơn mỹ nghệ với sơn mài Việt Nam. Một bức tranh có thể được vẽ rồi mài nhiều lần tới khi đạt hiệu quả mà họa sĩ mong muốn. Sau cùng là đánh bóng tranh.
Hiện nay, Nghề sơn mài truyền thống Việt Nam đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan tham gia, hợp tác với Hàn Quốc và một số nước xây dựng hồ sơ đa quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
TN
Ảnh: Internet

 

Theo MaskOnline

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *