Các loại hình khác

Hành trình 8 năm của một sưu tập đàn đá cổ

​Bảo tàng Lâm Đồng hiện nay đang lưu giữ một sưu tập đàn đá cổ rất có giá trị do người dân phát hiện tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng. Sưu tập này có số lượng lớn kỷ lục. Quá trình sưu tầm được trọn bộ đàn đá này diễn ra trong một thời gian rất dài và gắn liền với những câu chuyện vô cùng thú vị.

​Nhận được tin, Bảo tàng Lâm Đồng lập tức cử người đến nơi lưu giữ "những thanh đá" đó – xã Hoà Nam, huyện Di Linh, một xã vùng xa, nằm cách thành phố Đà Lạt khoảng 100 km về phía Nam. Đồng chí Trọng – Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Nam kể: năm 2002, trong một lần đào hố trồng cây, ở độ sâu khoảng hơn 1m, bố anh đã phát hiện có rất nhiều thanh đá lạ được xếp ngay ngắn theo hàng, thân mỏng, có độ to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau, tuy nhiên không nghĩ đó là đàn đá hay di sản văn hoá, nên ông cứ xếp gọn vào gốc cây. Sau một thời gian, mấy người còn mang ra lót làm đường đi, mấy đứa trẻ còn mang nghịch…ném  nhau; khoảng năm 2005, bố anh đã cho 2 người, một ở Vũng Tàu, một ở Bảo Lộc, vậy nên giờ không còn thanh đá nào.
Qua câu chuyện của anh, hi vọng lấy được các thanh đàn đá về cho Bảo tàng trở nên mong manh và khó khăn hơn. Sau nhiều lần liên hệ với anh Ninh ở phường B’Lao thị xã Bảo Lộc, được biết hiện anh vẫn còn đang giữ các thanh đá đó. Chúng tôi ngay lập tức thuyết phục anh Trọng cùng đi với chúng tôi xuống Bảo Lộc để thu hồi các thanh đàn đá quý giá về cho Bảo tàng.
Sau khi giải thích và xin phép, anh Ninh cho chúng tôi xem các thanh đá được để trong các bao tải lẫn với đống củi cạnh chuồng gà ở phía sau nhà. Thật bàng hoàng, chúng tôi không ngờ số luợng của các thanh đá lại nhiều đến như vậy. Các bộ đàn đá trước kia được phát hiện ở Lâm Đồng thông thường chỉ có vài thanh cho đến hơn chục thanh, nhưng ở đây có tới 25 thanh, bao gồm cả các đoạn gãy (vết gãy từ xưa), nhưng nhiều thanh còn nguyên vẹn, trên thân các thanh đá còn rất rõ dấu vết chế tác của người xưa để lại. Gõ thử vào thanh đá thấy âm thanh phát ra rất trong. Chúng tôi đã thuyết phục được anh Ninh đồng ý cho mang các thanh đá về Bảo tàng để bảo quản, nghiên cứu. Khi làm thủ tục bàn giao sắp hoàn thành, do tình cờ, lại phát hiện thêm 5 thanh đá nữa, nâng tổng số các thanh và các đoạn gãy lên 30 (trong đó có một thanh gãy làm đôi).
Chúng tôi trở về Đà Lạt trong niềm vui và một chút lo lắng vì vẫn chưa thu hồi được hết các thanh đá cùng được phát hiện. Sẽ rất khó khăn trong công tác nghiên cứu sau này, vì khi đo tần số âm thanh, hay phân thành từng bộ chắc chắn khó có thể biết được chính xác các thông tin về chúng.
Năm 2009, toàn bộ các thanh đàn đá được đưa đi TP Hồ Chí Minh để các chuyên gia giám định và nghiên cứu, với sự tham gia của GS. Tô Vũ, PGS.TS. Bùi Chí Hoàng và nhiều học giả uy tín khác. Kết luận ban đầu cho thấy, đây có thể là sưu tập gồm nhiều bộ đàn đá khác nhau, có niên đại khoảng 2500 năm đến 3000 năm cách ngày nay. Tuy nhiên, các thanh đá này lại có có âm điệu rất lệch nhau và rất khó để xếp lại thành các bộ do còn thiếu nhiều thanh khác.
Đầu năm 2010, Bảo tàng Lâm Đồng lại nhận được tin báo từ anh Trọng, rằng các thanh đàn đá đã được đưa đi Vũng Tàu trước đó nay vẫn còn nguyên và người đang lưu giữ chúng – ông Thanh, cũng đã đồng ý trao lại cho Bảo tàng Lâm Đồng. Trong một chuyến đi công tác kết hợp tại TP. Hồ Chí Minh, ông Phạm Hữu Thọ, Giám đốc Bảo tàng Lâm Đồng đã tới Vũng Tàu tìm gặp chủ nhân của các thanh đá. Khi được ông Thanh cho xem số thanh đàn đá, mọi người tiếp tục ngỡ ngàng trước số lượng còn lại lên tới 16 thanh, chủ yếu là những thanh rất đẹp. Qua quá trình phân tích, động viên, cuối cùng ông Thanh đã giao lại số đàn đá cho Bảo tàng Lâm Đồng. Như vậy, tổng cộng số lượng của các thanh đàn đá qua hai lần sưu tầm đã lên tới con số 46, một con số quá ấn tượng, đặc biệt là với loại hình đàn đá.
Qua những dấu hiệu ban đầu, từ quá trình phát hiện đến cách sắp xếp có thể thấy rằng: đây là một tập hợp các thanh đàn đá, có thể gồm nhiều bộ, có thể đã được người xưa chôn giấu khi chủ nhân của chúng xảy ra sự cố, hoặc được chôn theo một mục đích tâm linh nào đó mà chưa có bằng chứng xác thực để chứng minh. Trong thời gian tới, Bảo tàng Lâm Đồng sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, các chuyên gia để giám định nhằm tìm ra những thông tin khoa học xác thực nhất.
Việc phát hiện và thu hồi bộ đàn đá Hoà Nam (huyện Di Linh) là một quá trình lâu dài và không ít khó khăn. Những kết quả đã đạt được coi là một thành công lớn. Có được kết quả đó là nhờ có sự nỗ lực của cán bộ Bảo tàng Lâm Đồng và đặc biệt là tác dụng của Luật di sản văn hoá với những quy định cụ thể đã đi vào cuộc sống. Bảo tàng Lâm Đồng đã thu hồi và lưu giữ được toàn bộ các thanh đàn đá rất có giá trị đã được phát hiện tại xã Hoà Nam, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, bổ sung thêm vào kho hiện vật của Bảo tàng một sưu tập đàn đá có giá trị phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu và phát huy giá trị của di sản văn hoá dân tộc.
Công tác khen thưởng đã được tiến hành kịp thời, nhằm động viên những cá nhân đã phát hiện và giao nộp cổ vật theo quy định của Luật di sản văn hoá.
Kể từ khi phát hiện, đến khi toàn bộ sưu tập các thanh đàn đá được thu hồi về Bảo tàng, đã trải qua 8 năm. Quá trình sưu tầm có lúc thuận lợi, có lúc khó khăn, nhưng đã rất thành công, các thanh đàn đá đã được đặt ở một nơi trang trọng tại Bảo tàng Lâm Đồng – nơi xứng đáng với những giá trị của chúng.​

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *