Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 30 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai. Qua đó, vừa định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại di tích; đồng thời xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm dến an toàn, hấp dẫn…
Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê, trong đó có 1 Di sản văn hóa thế giới, 21 cụm Di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố. Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, Hội (Liên hiệp phụ nữ) LHPN Hà Nội đã có sáng kiến triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” nhằm xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các danh lam thắng cảnh, di tích và đưa các danh lam thắng cảnh, di tích trở thành điểm đến hấp dẫn.
Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhằm nâng cao hơn nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ Thủ đô trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, từ năm 2022, Hội LHPN Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện QTƯX nơi công cộng và cụ thể hóa kế hoạch bằng Hướng dẫn triển khai mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Hội LHPN thành phố đã chọn 5 di tích triển khai thí điểm mô hình: Khu di tích Đền – Chùa bà Tấm, Đền Gióng, Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn). Tích cực hưởng ứng mô hình, nhiều đơn vị, cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai mô hình tại địa bàn: Đền Cổ Loa (Huyện Đông Anh), Đền Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai); Chùa Hưng Long, chùa Linh Quang (huyện Thanh Trì); Chùa Hưng Phúc (huyện Hoài Đức); Chùa Đôi Hồi, đền thờ Tô Hiến Thành (huyện Đan Phượng).
Khu di tích Đền – Chùa bà Tấm
Ảnh Nguyễn Luận
Quá trình triển khai mô hình tại khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, xã Dương Xá luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm và Đảng ủy, UBND xã Dương Xá, sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và Nhân dân. Năm 2021, 2022 Hội LHPN xã cùng 2 thôn Thuận Tiến, Dương Xá đã triển khai vẽ tranh bích họa với nhiều chủ đề khác nhau trên các bức tường bao quanh khu di tích. Ban Quản lý di tích cùng với Hội LHPN xã đã triển khai một số mô hình đặt tại khu di tích như mô hình thùng rác phân loại với câu slogan nhắc nhở khách viết trên thùng rác; giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng với thông điệp vì môi trường xanh. Cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên lao động dọn dẹp làm sạch khu di tích. Phía ngoài cổng tam quan, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan hoặc kinh doanh tại khu di tích, điểm du lịch. Hội LHPN xã phân công 5 cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ phục vụ các đoàn tham quan khi có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh về di tích. Nhân dịp các ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10, các dịp lễ hội, lễ tết đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ; thi ảnh áo dài, các hoạt động tôn vinh tà áo dài tại khu di tích nhằm quảng bá, lan tỏa các hình ảnh đẹp tới bạn bè bốn phương.
Theo Chủ tịch Hội LHPN xã Dương Xá, Hội LHPN xã Dương Xá đã xây dựng kế hoạch chi tiết, nêu rõ các hoạt động cụ thể sẽ thực hiện trong năm tại Khu di tích; phối hợp chặt chẽ với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Gia Lâm để đảm bảo các nội dung, hoạt động dự kiến làm phải đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động hàng năm bám sát chương trình công tác Hội, phù hợp với không gian của di tích. Các nhiệm vụ được phân công rõ ràng, rõ trách nhiệm, tiến độ thực hiện. Trong quá trình triển khai kịp thời nắm bắt thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh đồng thời quan tâm đánh giá, rút kinh nghiệm, bổ sung, điều chỉnh các hoạt động cho phù hợp hơn.
Hội LHPN quận Cầu Giấy ra mắt mô hình Di tích lịch sử kiểu mẫu tại chùa Thánh Chúa
Ảnh: Mai Chi
Tại huyện Đông Anh, Hội LHPN huyện Đông Anh đã phối hợp với Đảng ủy, chính quyền cơ sở, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa trực thuộc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Hội LHPN xã Cổ Loa thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình, đặc trưng của di tích. Hội tập trung cho công tác vệ sinh môi trường, đầu tư trồng mới, chăm sóc 61 bồn cây xanh trên trục đường chính vào khu di tích, thiết kế, thực hiện 9 thùng rác tái chế đặt tại các điểm trung tâm của khu di tích; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện các quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích Đình, Đền, Chùa và các điểm di tích trên địa bàn xã; triển khai vận động, hướng dẫn và ký cam kết đến các hộ kinh doanh, các hộ gia đình đang sinh sống, bán hàng tại các khu di tích.Đặc biệt tập trung nội dung ứng xử văn minh, lịch sự nơi di tích như: luôn chào nhau bằng nụ cười, sẵn sàng nói cảm ơn, xin lỗi. Ứng xử văn minh, lịch sự và thân thiện. Trang phục phù hợp, không tạo dáng phản cảm để quay phim, chụp ảnh. Giữ gìn vệ sinh môi trường, bỏ rác đúng nơi quy định. Tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương…
Thực tế cho thấy, việc triển khai mô hình đã giúp các Danh lam thắng cảnh/Di tích trở nên văn minh, xanh, sạch, đẹp hơn. Những bất cập trong văn hóa ứng xử của người dân, du khách khi đến tham quan cũng được hạn chế.
Đến cuối năm 2022, đã có 12 mô hình được triển khai. Từ tháng 7/2023, Hội LHPN đã nhân rộng các mô hình. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 30 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai. Qua đó, vừa định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại di tích; đồng thời xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm dến an toàn, hấp dẫn, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Thanh Bình