Trong những năm qua, cùng với sự phát triển về kinh tế-xã hội, sự nghiệp văn hóa cũng được quận Hoàn Kiếm chú trọng, quan tâm đầu tư tương xứng, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật thường xuyên được tổ chức tại phố đi bộ.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, các hình thức, phương thức xã hội hóa hoạt động văn hóa được mở rộng. Hằng năm, bằng nguồn ngân sách và xã hội hóa, quận Hoàn Kiếm đã đầu tư nâng cấp, khai thác có hiệu quả các công trình văn hóa – thể thao như: Thư viện quận 42 Nhà Chung, Trung tâm văn hóa 46 Hàng Cót, Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao 225 Hồng Hà, Trung tâm Thông tin Phố cổ 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm số 2 Lê Thái Tổ. Một số điểm vui chơi cho trẻ em ở địa bàn dân cư và trường học được đầu tư hàng tỷ đồng. Hiện nay, cấp quận có 01 thư viện, 01 khu thể thao đa năng; cấp phường có 18 thư viện, 100% các trường tiểu học, THCS, THPT có phòng thư viện và 3 thư viện cơ sở với gần 42.000 đầu sách, báo, tạp chí, trong đó, tỷ lệ các sách, tài liệu văn học nghệ thuật được lưu giữ chiếm tới từ 30% đến 40%. Thư viện quận thường xuyên phục vụ khoảng 131.610 lượt bạn đọc/năm; hằng năm, bổ sung mới 4.000 đầu sách, cấp hơn 1000 thẻ bạn đọc. Tài liệu, sách báo của các thư viện luôn được bổ sung mới bằng nguồn ngân sách và từ các nguồn tài trợ xã hội khác.
Bên cạnh đó, công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn quận được quan tâm và đầu tư. Từ năm 2016 đến nay, Quận đã đầu tư từ nguồn ngân sách và nguồn kinh phí từ huy động xã hội hóa hơn 100 tỷ đồng cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích trên địa bàn, trong đó, nguồn kinh phí từ huy động xã hội hóa là 12 tỷ đồng; Đã lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng 5 di tích trên địa bàn quận. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã được khôi phục giá trị văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi về địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, sinh hoạt cộng đồng tại địa bàn dân cư, đồng thời, góp phần bảo vệ và tôn vinh các di sản văn hóa.
Đặc biệt, việc khai thác, phát huy các giá trị di sản văn hóa luôn được quận chú trọng. Hằng năm, quận đã duy trì tổ chức 14 lễ hội văn hóa truyền thống của quận theo Đề án “Tổ chức các lễ hội truyền thống trong khu phố cổ và khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm”, tổ chức giới thiệu và quảng bá giá trị văn hóa phi vật thể gắn với các hoạt động như: Biểu diễn, giao lưu nghệ thuật, triển lãm tranh, ảnh, các chương trình hội thảo, hội nghị, tọa đàm nhằm phát triển du lịch, nâng giá trị và hình ảnh khu Phố cổ tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn quận như đình Đồng Lạc – 38 Hàng Đào, đình Kim Ngân – 42, 44 Hàng Bạc, Ngôi nhà Di sản – 87 Mã Mây, Trung tâm Thông tin di sản Phố cổ – 28 Hàng Buồm, Trung tâm giao lưu Văn hóa Phố cổ – 50 Đào Duy Từ. Các hoạt động nói trên phần lớn được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa (khoảng 83%) đã góp phần giảm chi phí từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn quảng bá có hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô và đất nước. Đáng nói, các hoạt động trên đều được gắn với các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của Khu phố cổ Hà Nội.
Trung tâm Thông tin văn hóa Hồ Gươm.
Thời gian tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục quan tâm đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa – xã hội; chú trọng đến công tác giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân ra khỏi di tích, trường học; đầu tư tu bổ tôn tạo các di tích; cải tạo sửa chữa, nâng cấp và xây dựng mới các trường học, cải tạo, xây dựng các thiết chế văn hóa. Đồng thời, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chăm lo kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác văn hóa – xã hội. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng những cách làm hay, những tấm gương người tốt, việc tốt trong giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của Thủ đô, đất nước, tạo hiệu ứng lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng.
Lâm Thanh