Câu hỏi:
Xin quý cơ quan cho hỏi, tôi đang muốn tìm hiểu về việc thành lập các CLB thơ, ca, thể dục thể thao cấp xã, huyện thì căn cứ theo văn bản nào? thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các CLB thơ, ca, TDTT này thuộc cơ quan nào? Căn cứ quy định nào?
Định nghĩa Hội và các CLB thơ, ca, TDTT này có giống nhau không ạ?
Xin chân thành cảm ơn.
Phản hồi xin gửi về địa chỉ mail: phuong.nguyen52@gmail.com
Trung tâm Văn hóa Thành phố Hà Nội – Sở VHTT Hà Nội xin trả lời như sau:
1/ Theo Quyết định số 31/2001/QĐ-UB ngày 04/06/2001 của UBND thành phố và Quy định về quản lý việc thành lập và hoạt động của CLB trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tại Điều 3, chương II trong Quy định này có nêu rõ: “UBND Thành phố giao cho UBND các Quận, Huyện thống nhất quản lý nhà nước về việc thành lập và hoạt động CLB trên địa bàn Quận, Huyện; chỉ đạo các cơ quan chức năng của Quận, Huyện kiểm tra giám sát việc thành lập, hoạt động và xử lý các vi phạm pháp luật của CLB trên phạm vi Quận, Huyện”
- Hồ sơ xin đăng ký thành lập CLB gồm:
- Đơn xin thành lập CLB:
- Dự thảo quy chế hoạt động của CLB.
- c) Sơ yếu lý lịch của các thành viên Ban chủ nhiệm CLB.
- d) Danh sách hội viên CLB
Trường hợp bạn hỏi, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các câu lạc bộ thơ, ca cấp xã thuộc về UBND xã, các câu lạc bộ thơ, ca cấp huyện thuộc về UBND huyện.
Tại mục d (Điều 4) trong quy định nêu rõ: “Định kỳ 6 tháng, 1 năm các cấp đã ra quyết định thành lập CLB phải có thông báo bằng văn bản với UBND quận, huyện sở tại về tổ chức và kết quả hoạt động của CLB do mình ra quyết định”.
2/ Định nghĩa Hội và các CLB thơ, ca, TDTT này có giống nhau không ?
a/ Tại điều 2 của nghị định số 45/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 21/4/2010 Quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội
Hội được quy định trong nghị định này được hiểu là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam cùng ngành nghề, cùng sở thích, cùng giới, có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, được tổ chức và hoạt động theo Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
– Hội có các tên gọi khác nhau: hội, liên hiệp hội, tổng hội, liên đoàn, hiệp hội, câu lạc bộ có tư cách pháp nhân và các tên gọi khác theo quy định của pháp luật ( gọi chung là hội )
b/ Câu lạc bộ được ghi trong bản Quy định quản lý việc thành lập và hoạt động của Câu lạc bộ trên địa bàn thành phố Hà Nội như sau:
Câu lạc bộ được hiểu là tổ chức tự nguyện, có chức năng định hướng tuyên truyền giáo dục cho hội viên lối sống lành mạnh, không ngừng nâng cao sự hiểu biết vì một xã hội giàu đẹp, công bằng, dân chủ, văn minh, thông qua việc tổ chức hoạt động vui chơi giải trí, hoặc các sinh hoạt chuyên đề của một tập thể hội viên có cùng xu hướng , sở thích.
Như vậy, căn cứ theo 2 khái niệm trên thì Hội và câu lạc bộ cũng có điểm chung giống nhau:
- Là tổ chức tự nguyện của tập thể hội viên có cùng sở thích
Nhưng khái niệm về Hội mang tính cụ thể.
Đó là tổ chức tự nguyện của công dân, tổ chức Việt Nam có cùng ngành nghề, cùng giới.
Có chung mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, hoạt động thường xuyên, không vụ lợi, nhằm bảo vệ quyền , lợi ích hợp pháp của hội, hội viên, của cộng đồng;
Hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả.
Góp phần phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.