Việc triển khai mô hình tuyên truyền “Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” đã đạt được những kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, mô hình có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn…
Sáng 5/12, tại trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố tổ chức Hội nghị “Đánh giá kết quả xây dựng và thực hiện mô hình tuyên truyền di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn”.
Quang cảnh Hội nghị
Đến dự Hội nghị có các đại biểu: Đồng chí Vi Thanh Hoài, Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch); Đồng chí Hoàng Thu Hồng, Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN thành phố; Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội; Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội; đại diện lãnh đạo phòng Quản lý Di sản, phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Ban Quản lý Di tích danh thắng; trưởng phòng Văn hóa – Thông tin; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ; Phó Chủ tịch UBND xã nơi có các di tích được công nhận; đại diện các di tích, điểm đến được công nhận.
Các đại biểu dự Hội nghị
Thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố, Hội (Liên hiệp phụ nữ) LHPN Hà Nội đã có sáng kiến triển khai mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” nhằm xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các danh lam thắng cảnh, di tích và đưa các danh lam thắng cảnh, di tích trở thành điểm đến hấp dẫn. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) nơi công cộng trên địa bàn thành phố, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, nhằm nâng cao hơn nhận thức, thay đổi hành vi của phụ nữ Thủ đô trong việc thực hiện QTƯX nơi công cộng, từ năm 2022, Hội LHPN Hà Nội đã tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 5/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện QTƯX nơi công cộng và cụ thể hóa kế hoạch bằng Hướng dẫn triển khai mô hình điểm “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”. Hội LHPN thành phố đã chọn 5 di tích triển khai thí điểm mô hình: Khu di tích Đền – Chùa bà Tấm, Đền Gióng, Làng gốm Bát Tràng (huyện Gia Lâm); Đền Sóc, Tượng đài Thánh Gióng (huyện Sóc Sơn). Tích cực hưởng ứng mô hình, nhiều đơn vị, cơ sở Hội trực thuộc đã chủ động nghiên cứu, triển khai mô hình tại địa bàn: Đền Cổ Loa (Huyện Đông Anh), Đền Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai); Chùa Hưng Long, chùa Linh Quang (huyện Thanh Trì); Chùa Hưng Phúc (huyện Hoài Đức); Chùa Đôi Hồi, đền thờ Tô Hiến Thành (huyện Đan Phượng). Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có 50 mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu” được triển khai. Qua đó, vừa định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách ứng xử văn minh của tổ chức và cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch tại di tích; đồng thời xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm dến an toàn, hấp dẫn, góp phần giữ gìn và phát triển truyền thống tốt đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Đồng chí Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Theo Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 133 khu, điểm tham quan du lịch. Triển khai Luật Du lịch 2017, đến nay, UBND Thành phố đã công nhận 50 điểm du lịch, khu du lịch cấp Thành phố, trong đó có 42 điểm du lịch 08 khu du lịch cấp thành phố. Việc quản lý, khai thác tốt các điểm đến, các khu, điểm du lịch góp phần tích cực cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Ước số lượng khách du lịch đến Hà Nội năm 2024 đạt khoảng 27 triệu lượt khách, tăng 9,2% so với năm 2023, trong đó gồm: 5,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 16,4% so với năm 2023 và 21,5 triệu lượt khách nội địa, tăng 7,5% so với năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 103,74 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% so với năm 2023.
Ngành Du lịch Thủ đô tiếp tục khẳng định được vị trí, hình ảnh, thương hiệu của mình trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong năm 2024, Thành phố Hà Nội được vinh dự đón nhận giải thưởng “Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á”, “Điểm đến du lịch thành phố cho kỳ nghỉ ngắn ngày hàng đầu châu Á”. Đặc biệt, năm 2024 đánh dấu chiến thắng đầu tiên của Hà Nội ở hạng mục “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam” ghi nhận những giá trị về văn hóa, lịch sử và truyền thống của thành phố- nơi lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị, được gìn giữ và phát triển qua nhiều thế kỷ, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích khám phá văn hoá, lịch sử.
Các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được du khách đánh giá rất cao về giá trị tài nguyên, giá trị văn hóa cũng như công tác bảo tồn và tôn tạo. Sự thân thiện của cộng đồng địa phương cũng đã tạo được rất nhiều dấu ấn trong lòng khách du lịch, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Hà Nội thanh bình và hiếu khách. Một số điểm du lịch đã tổ chức mới nhiều sản phẩm về đêm, đẩy mạnh hợp tác công tư, cơ chế tự chủ của các ban quản lý điểm đến, đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ khá tốt, ứng dựng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống vé điện tử, đổi mới tuyên truyền quảng bá trên website, mạng xã hội, thu hút đông đảo khách du lịch đến tham quan, đóng góp tích cực vào kết quả hoạt động của ngành du lịch, tiêu biểu như: điểm du lịch Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Điểm du lịch Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, Điểm du lịch Di sản văn hóa thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, Khu du lịch Khu vực hồ Hoàn Kiếm – phụ cận và phố cổ Hà Nội (đã được hướng dẫn để lập hồ sơ trở thành khu du lịch cấp quốc gia)…
Đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại Hội nghị
Hội nghị đã được nghe nhiều ý kiến đóng góp của quận Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, huyện Đông Anh, Gia Lâm, Mê Linh…Các đại biểu đã chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay trong triển khai, thực hiện mô hình.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại Hội nghị
Quận Bắc Từ Liêm là địa phương đầu tiên của thành phố triển khai mô hình, có nhiều sáng kiến, sáng tạo trong quá trình triển khai. Toàn quận có 133 di tích, trong đó 58 di tích đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Việc triển khai mô hình Quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa – điểm đến an toàn, hấp dẫn” chính là sự tiếp nối các hoạt động nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, để di tích lịch sử thành điểm đến an toàn, hấp dẫn. Đây cũng là việc làm nhằm góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô Hà Nội nói chung, của quận Bắc Từ Liêm nói riêng.
Quá trình triển khai mô hình tại khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, xã Dương Xá luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm và Đảng ủy, UBND xã Dương Xá, sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và Nhân dân. Năm 2021, 2022 Hội LHPN xã cùng 2 thôn Thuận Tiến, Dương Xá đã triển khai vẽ tranh bích họa với nhiều chủ đề khác nhau trên các bức tường bao quanh khu di tích. Ban Quản lý di tích cùng với Hội LHPN xã đã triển khai một số mô hình đặt tại khu di tích như mô hình thùng rác phân loại với câu slogan nhắc nhở khách viết trên thùng rác; giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng với thông điệp vì môi trường xanh. Cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên lao động dọn dẹp làm sạch khu di tích. Phía ngoài cổng tam quan, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan hoặc kinh doanh tại khu di tích, điểm du lịch. Hội LHPN xã phân công 5 cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ phục vụ các đoàn tham quan khi có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh về di tích. Nhân dịp các ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10, các dịp lễ hội, lễ tết đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá văn nghệ; thi ảnh áo dài, các hoạt động tôn vinh tà áo dài tại khu di tích nhằm quảng bá, lan tỏa các hình ảnh đẹp tới bạn bè bốn phương.
Hội Phụ nữ quận Cầu Giấy có 3 mô hình: Phụ nữ xây dựng tổ dân phố kiểu mẫu; Phụ nữ tham gia xây dựng chợ văn minh tại chợ Đồng Xa và Nghĩa Tân; Phụ nữ tham gia xây dựng khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng. Khi thực hiện mô hình di tích lịch sử kiểu mẫu, Hội phải phải rà soát rất chặt chẽ và được sự đồng thuận rất cao của ban quản lý di tích cũng như Nhân dân. Các hoạt động đều đảm bảo sự tôn nghiêm và giá trị của di tích. Đặc biệt, công tác duy trì vệ sinh môi trường, hướng dẫn du khách được Hội Phụ nữ quận thường xuyên tổ chức…
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thị Vân Anh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội ghi nhận những kết quả đã đạt được trong triển khai mô hình. Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội khẳng định, việc triển khai mô hình tuyên truyền “Di tích lịch sử văn hóa – Điểm đến an toàn, hấp dẫn” đã đạt được những kết quả tích cực. Thực tế cho thấy, mô hình có vai trò quan trọng trong giữ gìn, phát huy giá trị các di tích, di sản trên địa bàn. Hà Nội là địa phương đậm nét văn hóa dân tộc với mấy ngàn năm lịch sử. Các di tích là minh chứng làm cho văn hóa Thủ đô dày hơn, lưu giữ giá trị giáo dục với thế hệ ngàn sau. Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa. Đây là nguồn lực để thực hiện công nghiệp văn hóa của Hà Nội, một nguồn lực lớn mà không địa phương nào có được như Hà Nội. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tiến hành nhiều mô hình, tuyên truyền rất tích cực. Tuy vậy, việc tuyên truyền, thực hiện phải thường xuyên, liên tục, đổi mới bằng nhiều hình thức hấp dẫn và thiết thực và có sự lồng ghép giữa các hoạt động với nhau. “Trong thời gian tới, các địa phương cần tổ chức tổng kết, đánh giá các mô hình, chỉ ra điểm tốt để phát huy, nhân rộng, điểm chưa tốt để khắc phục. Cần phải có mô hình tiêu biểu để chia sẻ và nhân rộng, đó là minh chứng cho hiệu quả của việc phát huy giá trị của di tích. Điều này cũng thể hiện vai trò, đóng góp của Ngành Văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình phát triển của Thủ đô, của đất nước”, đồng chí Trần Thị Vân Anh nhấn mạnh.
Minh Đức